BẢN TIN THÔNG TIN SINH HOẠT CHI BỘ SỐ 02 NĂM 2023

Đăng lúc: 14/01/2023 (GMT+7)
100%

BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG

TRUNG TÂM THÔNG TIN

CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO

*

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

Hà Nội, ngày 13 tháng 01 năm 2023

BẢN TIN THÔNG TIN SINH HOẠT CHI BỘ SỐ 2 NĂM 2023

THÔNG TIN TRONG NƯỚC

I. KẾ HOẠCH LẤY Ý KIÊN NHÂN DÂN ĐỐI VỚI DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

Thực hiện Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15, ngày 23/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 170/NQ-CP, ngày 31/12/2022 về ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó có một số nội dung chủ yếu sau:

Đối tượng lấy ý kiến về dự thảoLuật Đất đai (sửa đổi): Các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên của Mặt trận, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các tổ chức kinh tế khác; các viện nghiên cứu, trường đại học và chuyên gia, nhà khoa học.

Nội dung lấy ý kiến gồm: Bố cục, nội dung và kỹ thuật trình bày của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; hộ gia đình sử dụng đất. Các nội dung trọng tâm theo từng nhóm đối tượng như sau:

Các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài: các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; trình tự, thủ tục thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; về mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; về mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa; thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai; chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các tổ chức kinh tế khác: các trường hợp được Nhà nước cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê và cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm; quy định về bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất; các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; việc sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thông qua thỏa thuận về quyền sử dụng đất; việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm; nguyên tắc xác định giá đất, bảng giá đất, giá đất cụ thể; các trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; chế độ sử dụng đất trong các khu công nghiệp.

Các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp: thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; về người sử dụng đất, hộ gia đình sử dụng đất; căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; quy định về bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất; việc sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thông qua việc thỏa thuận về quyền sử dụng đất; việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm; nguyên tắc xác định giá đất, bảng giá đất, giá đất cụ thể; thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai.

Các chuyên gia, nhà khoa học: phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm; chế độ sử dụng đất đa mục đích, đất xây dựng công trình ngầm, trên không; nguyên tắc xác định giá đất, bảng giá đất, giá đất cụ thể.

Hình thức lấy ý kiến: góp ý trực tiếp bằng văn bản (bản giấy, thư điện tử) áp dụng cho tất cả các đối tượng lấy ý kiến. Ý kiến góp ý gửi đến cơ quan, tổ chức được phân công trách nhiệm tại Kế hoạch này hoặc gửi trực tiếp đến Bộ Tài nguyên và Môi trường theo địa chỉ: Số 10 Tôn Thất Thuyết, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội hoặc qua hộp thư điện tử:luatdatdat@monre.gov.vn. Tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm đối với các cơ quan nhà nước; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; doanh nghiệp, hợp tác xã và các tổ chức kinh tế khác; các chuyên gia, nhà khoa học. Ý kiến góp ý tại hội nghị, hội thảo, tọa đàm được cơ quan chủ trì tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm tập hợp, tổng hợp gửi về các cơ quan có trách nhiệm lấy ý kiến Nhân dân nêu tại Điều 6, Nghị quyết số 671/UBTVQH15 để xây dựng báo cáo lấy ý kiến gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường, đồng thời gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Góp ý trực tiếp thông qua website chính thức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại địa chỉ: luatdatdai.monre.gov.vn. Thông qua Cổng thông tin điện tử của Quốc hội, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường, các phương tiện thông tin đại chúng, các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin, các hình thức phù hợp khác phù hợp với quy định của pháp luật. Thời gian lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bắt đầu từ ngày 03/01/2023 và kết thúc vào ngày 15/3/2023.

II. SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA CÁC NGHỊ ĐỊNH LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC NỘP, XUẤT TRÌNH SỔ HỘ KHẨU, SỔ TAM TRÚ GIẤY KHI THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, CUNG CẤP DỊCH VỤ CÔNG

Nghị định số 104/2022/NĐ-CP, ngày 21/12/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. Nghị định 104/2022/NĐ-CP hiệu lực từ ngày 01/01/2023, trong đó có một số điểm chú ý sau:

Nghị định bỏ quy định về việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, chủ yếu thuộc nhiều lĩnh vực như: việc làm, bảo hiểm y tế, giáo dục, y tế, đất đai, thuế, nhà ở, nhà ở xã hội, điện lực, nuôi con nuôi… Thay vào đó, khi thực hiện các thủ tục trên, người dân chỉ cần xuất trình một trong các loại giấy tờ: Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân, giấy xác nhận thông tin về cư trú, giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Nghị định cũng bãi bỏ, thay thế một số cụm từ liên quan tới quy định về sổ hộ khẩu tại các nghị định liên quan tới một số lĩnh vực cụ thể như: điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính trong lĩnh vực thông tin và truyền thông; hộ tịch, người có công, bảo trợ xã hội…

Việc khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thực hiện bằng một trong các phương thức sau: Tra cứu, khai thác thông tin cá nhân qua chức năng của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh đã được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc qua cổng dịch vụ công quốc gia; Tra cứu thông tin cá nhân thông qua tài khoản định danh điện tử của công dân được hiển thị trong ứng dụng VNelD; Sử dụng thiết bị đầu đọc đã được kết nối trực tuyến với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bao gồm thiết bị đọc mã QRCode hoặc thiết bị đọc chip trên thẻ Căn cước công dân gắn chip; Các phương thức khai thác khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Cơ quan có thẩm quyền, cán bộ, công chức, viên chức, cá nhân được giao trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phải khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công…

III. ĐẨY MẠNH CÁC HOẠT ĐỘNG PHỤC VỤ HỌC TẬP SUỐT ĐỜI TRONG THƯ VIỆN, BẢO TÀNG, TRUNG TÂM VĂN HÓA ĐẾN NĂM 2030

Chương trình “Đẩy mạnh các hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa đến năm 2030” (được phê duyệt bởi Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 09/12/2022) đề ra các mục tiêu cụ thể:

Đối với hệ thống thư viện, đến năm 2025, đạt 100% thư viện công cộng cấp tỉnh, 70% thư viện công cộng cấp huyện, 40% thư viện công cộng cấp xã, 90% thư viện trường đại học, thư viện chuyên ngành, 80% thư viện lực lượng vũ trang, 70% thư viện cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục khác có cung cấp dịch vụ phục vụ việc học tập suốt đời cho người sử dụng thư viện. Đến năm 2030, đạt 100%, 90%, 60%, 100%, 100% và 90% các chỉ tiêu tương ứng. Đến năm 2025, đạt 100% thư viện công cộng cấp tỉnh, 60% thư viện công cộng cấp huyện, 20% thư viện công cộng cấp xã, 90% thư viện đại học, thư viện chuyên ngành, 80% thư viện lực lượng vũ trang, 70% thư viện cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục khác có ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý, tổ chức hoạt động phục vụ việc học tập suốt đời cho người sử dụng thư viện. Đến năm 2030, đạt 100%, 70%, 30%, 100%, 100% và 80% các chỉ tiêu tương ứng. Đến năm 2025, số lượt người sử dụng thư viện phục vụ nhu cầu học tập, tìm kiếm thông tin, nâng cao hiểu biết tăng bình quân 10% mỗi năm. Đến năm 2030, tăng bình quân 10 - 15% mỗi năm.

Đối với hệ thống bảo tàng, đến năm 2025, phấn đấu đạt 70% và đến năm 2030, phấn đấu đạt 100% bảo tàng xây dựng và triển khai chương trình giáo dục lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật cho mọi người dân, chú trọng đối tượng học sinh, sinh viên gắn với khung kiến thức, kỹ năng sống phù hợp và ứng dụng giới thiệu trưng bày các chuyên đề trên không gian số. Đến năm 2025, phấn đấu số lượt khách tham quan chọn bảo tàng để nghiên cứu, học tập tăng bình quân 10% mỗi năm. Đến năm 2030, tăng bình quân 10 - 15% mỗi năm.

Đối với hệ thống trung tâm văn hóa các cấp, đến năm 2025, phấn đấu đạt 80% và đến năm 2030, đạt 100% trung tâm văn hóa cấp tỉnh, trung tâm văn hóa, thể thao cấp huyện tổ chức, hỗ trợ nhu cầu hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, du lịch phù hợp với từng nhóm lứa tuổi, sở thích. Đến năm 2025, đạt 70% và đến năm 2030, đạt 100% trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã, nhà văn hóa - khu thể thao thôn có lớp năng khiếu, câu lạc bộ, nhóm sở thích, thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao thu hút người dân đến tham gia sinh hoạt phục vụ việc đẩy mạnh học tập suốt đời.

Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Đẩy mạnh tuyên truyền, đa dạng hóa hình thức truyền thông trên nền tảng công nghệ số, nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy, tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành và của người dân. Tuyên truyền, tổ chức có hiệu quả các hoạt động học tập suốt đời gắn với Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam - 21/4, Ngày Sách và Bản quyền thế giới - 23/4, Ngày Quốc tế bảo tàng - 18/5, Ngày Di sản văn hóa Việt Nam - 23/11 và các ngày lễ, ngày kỷ niệm của đất nước và địa phương. Biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các tập thể và cá nhân điển hình, nhân rộng mô hình tốt, các cách làm hay, sáng tạo trong hoạt động phục vụ học tập suốt đời tại các thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa.

Kiện toàn, củng cố mạng lưới, xây dựng và thực hiện cơ chế, chương trình phối hợp, liên kết giữa thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa với nhau và với các tổ chức, đơn vị, cơ sở giáo dục, hội khuyến học các cấp, liên đoàn lao động các cấp, trung tâm học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn… tổ chức hiệu quả hoạt động phục vụ người dân học tập suốt đời, thu hút sự tham gia của cộng đồng. Ứng dụng mạnh mẽ, toàn diện công nghệ thông tin; chú trọng phát triển mạng lưới thư viện cơ sở, thư viện kết hợp với trung tâm học tập cộng đồng, điểm bưu điện - văn hóa xã, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, thư viện cộng đồng phục vụ người dân tại cơ sở.

Tổ chức đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng kiến thức, hoàn thiện năng lực cung ứng các sản phẩm và dịch vụ phục vụ học tập suốt đời trong bối cảnh chuyển đổi số. Nâng cao ý thức về việc tự học, học tập thường xuyên của cán bộ quản lý, viên chức, người lao động làm việc trong các thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa. Biên soạn, in ấn các tài liệu hướng dẫn, bồi dưỡng phương pháp, kỹ năng tổ chức các hoạt động phục vụ học tập suốt đời.

Tăng cường giao lưu, học hỏi kinh nghiệm quốc tế về tổ chức các hoạt động học tập ngoài nhà trường, về truyền thông và vận động cộng đồng, về đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tích cực phối hợp tổ chức hoặc tham gia các sự kiện quốc tế liên quan đến xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời…

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan chủ trì, thường trực giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thống nhất việc tổ chức thực hiện Chương trình, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp của Chương trình…

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì chỉ đạo, hướng dẫn hệ thống thư viện cơ sở giáo dục triển khai hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ của Chương trình; chỉ đạo thư viện, bảo tàng thuộc trách nhiệm quản lý xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Chương trình; chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, xây dựng chương trình sử dụng di sản văn hóa, kỹ năng đọc và thư viện, dân ca, dân vũ... trong dạy, học tại các cơ sở giáo dục phổ thông...

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chủ trì, hướng dẫn triển khai hoặc lồng ghép nội dung Chương trình trong các thư viện, bảo tàng thuộc trách nhiệm quản lý với các chương trình, đề án khác được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình tại địa phương; bố trí kinh phí địa phương tổ chức triển khai thực hiện Chương trình theo nội dung được phân công, chú trọng củng cố cơ sở hạ tầng, hiện đại hóa cơ sở vật chất, phát triển mạng lưới thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa theo quy hoạch đã được phê duyệt; đẩy mạnh xã hội hóa phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.

IV. KẾT QUẢ 01 NĂM TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN ỨNG DỤNG DỮ LIỆU VỀ DÂN CƯ, ĐỊNH DANH VÀ XÁC THỰC ĐIỆN TỬ PHỤC VỤ CHUYỂN ĐỔI SỐ QUỐC GIA GIAI ĐOẠN 2022 - 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030 (ĐỀ ÁN 06)

1. Một số kết quả đạt được

Nhận thức và hành động về chuyển đổi số quốc gia tiếp tục chuyển biến tích cực, từng bước chuyển đổi nhận thức, thay đổi thói quen, có sự lan tỏa ở các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là người đứng đầu. Hoạt động quản lý nhà nước từ phương thức truyền thống sang môi trường số được đẩy mạnh và đạt một số kết quả bước đầu. Nhiều sản phẩm, dịch vụ số phục vụ người dân, doanh nghiệp kịp thời, hiệu quả (đăng ký dự thi, xét tuyển đại học, cao đẳng; cấp hộ chiếu trực tuyến; thí điểm thành công 2 dịch vụ công liên thông đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí).

Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý cho chuyển đổi số được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt kết quả tích cực. Cùng với các luật đang được xây dựng, trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng đã ban hành 16 văn bản quan trọng về chuyển đổi số trong năm 2022. Hạ tầng công nghệ thông tin, các nền tảng số tiếp tục được phát triển ở Trung ương và địa phương, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chuyển đổi số.

Các hệ thống thông tin cấp quốc gia như Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ - eCabinet, Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trung tâm Thông tin chỉ đạo điều hành đã được triển khai và phát huy hiệu quả bước đầu.

Bộ Công an đã tích cực triển khai Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, từng bước hình thành hệ sinh thái công dân số. Đã kết nối, liên thông với 47 bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước; cấp trên 76 triệu thẻ căn cước gắn chíp điện tử; đồng bộ hơn 234 triệu thông tin tiêm chủng; kích hoạt gần 2,6 triệu tài khoản định danh điện tử; xác định thông tin chính xác của gần 50 triệu thuê bao di động...

Dịch vụ công trực tuyến được triển khai ngày càng sâu rộng, hiệu quả. Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp gần 4.400 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (gấp 3 lần năm 2021); hơn 154 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái (gấp 1,7 lần so với năm 2021); hơn 3,9 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến (gấp hơn 5,7 lần năm 2021).

An toàn, an ninh thông tin tiếp tục được quan tâm; các doanh nghiệp Việt Nam dần làm chủ hệ sinh thái an toàn thông tin mạng. Năm 2022, đã ghi nhận và có biện pháp xử lý hơn 12.000 cuộc tấn công mạng tại Việt Nam, tăng 25,3% so với năm 2021. Kinh tế số, xã hội số có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Tính chung, năm 2022, đã hoàn thành 9/12 chỉ tiêu và 101/107 nhiệm vụ trong Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; hoàn thành 45/56 nhiệm vụ theo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại các phiên họp trước; hoàn thành 59/225 nhiệm vụ của Đề án 06 và đang tiếp tục triển khai 166 nhiệm vụ.

2. Nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới

Các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số quốc gia trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030. Tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, lưu ý vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn thông tin. Các bộ, ngành, địa phương ban hành Kế hoạch chuyển đổi số phải thực chất, tránh hình thức, phù hợp với điều kiện của mình gắn với bố trí nguồn lực phù hợp.

Đẩy mạnh xây dựng, cập nhật, liên thông, kết nối, chia sẻ các nền tảng số, CSDL đồng bộ, thực chất, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm. Kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành với Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tập trung hoàn thiện nền tảng cung cấp dịch vụ công toàn diện trên môi trường mạng.

Tập trung hoàn thành và triển khai 53 dịch vụ công thiết yếu (tại Đề án 06 và Quyết định 422 của Thủ tướng), nhất là 10 dịch vụ công đã quá hạn trong năm 2022. Đồng thời, hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã cung cấp trên môi trường mạng, kết nối các dịch vụ công trực tuyến với Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ, tập trung cho nhiệm vụ tích hợp và chia sẻ, kết nối dữ liệu. Trong năm 2023, xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia, giao Bộ Công an chủ trì về cơ sở vật chất, không bảo thủ, không cát cứ, không cục bộ, đồng thời thiết kế các công cụ bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, quyền công dân theo Hiến pháp và các quy định của pháp luật,

Rà soát, đánh giá an toàn thông tin, an ninh mạng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu; khẩn trương khắc phục những hạn chế, bất cập về lỗ hổng bảo mật, tình trạng lộ lọt thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân. Tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả về đào tạo, tuyển dụng, bố trí, đãi ngộ nhân lực chuyển đổi số, nhất là nhân lực chất lượng cao; hạn chế tình trạng chảy máu chất xám. Tăng cường hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số, nhất là hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ, thu hút và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…

V. MỘT SỐ KẾT QUẢ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG NĂM 2022; NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI

1. Kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2022

Về thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng

Việc công khai, minh bạch và thực hiện trách nhiệm giải trình trong tổ chức, hoạt động của cơ quan, đơn vị, nhất là trong các lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng có chuyển biến tích cực; kịp thời công bố, công khai, thông tin báo chí về những vụ việc dư luận xã hội quan tâm, kết quả kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, xử lý tố cáo, phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật; các bộ, ngành, địa phương kiểm tra tại 14.425 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch (tăng 39,71% so với năm 2021), phát hiện, chấn chỉnh, xử lý đối với 111 cơ quan, tổ chức, đơn vị vi phạm.

Cải cách thủ tục hành chính tiếp tục có nhiều chuyển biến rõ nét. Việc công khai, công bố, cập nhật các TTHC được thực hiện thường xuyên trên Cổng dịch vụ công quốc gia và các kênh thông tin khác theo quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tra cứu, tìm hiểu và thực hiện thủ tục hành chính.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Trong đó, tổng số lượng giao dịch nội tệ qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đạt trên 153,14 triệu giao dịch, với giá trị đạt trên 170,54 triệu tỷ đồng (tăng 11,02% về số lượng và 37,07% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2021). Tổng giá trị giao dịch qua Hệ thống bù trừ điện tử và chuyển mạch tài chính đạt hơn 3.665,42 triệu giao dịch, với giá trị đạt gần 39,09 triệu tỷ đồng.

Theo báo cáo của các bộ, ngành, các địa phương và các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan, năm 2022 có 19 người đứng đầu đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng (xử lý hình sự 10 người, cách chức 01 người, cảnh cáo 05 người, khiển trách 03 người). Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu đã có tác dụng răn đe, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác phòng, chống tham nhũng tại cơ quan, đơn vị mình phụ trách.

Về phòng, chống tham nhũng tại các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo; các bộ, ngành, địa phương chú trọng tăng cường quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước; đã tuyên truyền, tập huấn cho các hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, công ty đại chúng, các tổ chức kinh doanh, dịch vụ chứng khoán[1]… về các quy định pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố…

Công tác thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng

Toàn ngành Thanh tra đã triển khai 7.844 cuộc thanh tra hành chính và 195.326 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 79.102,2 tỷ đồng, 10.621,2 ha đất. Qua đôn đốc, các cơ quan chức năng đã thu hồi 114.012,3 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 42,5%), 537,5 ha đất; xử lý hành chính 2.917 tổ chức, 7.498 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 98 vụ, 135 đối tượng; khởi tố 16 vụ, 68 đối tượng.

Cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã giải quyết 24.075 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 89,1%. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho nhà nước 132,9 tỷ đồng, 122,1 ha đất; trả lại cho tổ chức, cá nhân 148,9 tỷ đồng, 20,5 ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 119 tổ chức, 576 cá nhân; kiến nghị xử lý 547 người; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 32 vụ, 55 đối tượng.

Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 36.293,5 tỷ đồng.

Việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng

Các Cơ quan điều tra trong Công an Nhân dân đã thụ lý điều tra 687 vụ án, 1.439 bị can phạm tội về tham nhũng. Đã kết luận điều tra và đề nghị truy tố 336 vụ/765 bị can; tạm đình chỉ điều tra 34 vụ/50 bị can; đình chỉ điều tra 08 vụ/03 bị can; thay đổi tội danh 04 vụ/02 bị can; nhập vụ án 01 vụ; chuyển Cơ quan điều tra hình sự - Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng điều tra theo thẩm quyền 01 vụ/02 bị can…

Công tác thi hành án liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng: Tổng số phải thi hành là 3.973 việc, tương ứng với 89.609 tỷ 972 triệu đồng; trong đó: số có điều kiện thi hành là 2.739 việc tương ứng với 43.593 tỷ 296 triệu đồng; đã thi hành xong 1.895 việc, tương ứng với 15.989 tỷ 592 triệu đồng (tăng hơn 11.895 tỷ đồng, tương đương tăng 290,51% về tiền so với năm 2021).

Nhìn chung, trong thời gian qua, mặc dù dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, tuy nhiên vẫn có diễn biến phức tạp, gây khó khăn và ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân nói chung và ảnh hưởng đến công tác phòng, chống tham nhũng nói riêng, song công tác phòng, chống tham nhũng luôn được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản, với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả quan trọng, để lại dấu ấn tốt, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua còn một số khó khăn, hạn chế: Công tác xây dựng hoàn thiện thể chế trong một số trường hợp còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên một số lĩnh vực vẫn còn thiếu chặt chẽ, chưa đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý; một số quy định về quản lý kinh tế - xã hội còn sơ hở, chồng chéo, dễ bị lợi dụng, dễ làm nảy sinh tham nhũng nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung… Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả chưa cao, chưa tạo được sự chuyển biến căn bản về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức và người dân về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…

2. Phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2023

- Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân; đề cao sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm và làm đi đôi với nói của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

- Thực hiện nghiêm các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

- Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, nhất là các quy định về công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; cải cách hành chính, đổi mới công nghệ quản lý; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới…

- Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, thi hành án; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan nhà nước; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng…

- Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trước hết là cơ quan thanh tra nhà nước, kiểm toán nhà nước, cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án ở các cấp, các ngành, các đơn vị chuyên trách về phòng, chống tham nhũng.

- Phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, cơ quan báo chí, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng triển khai có hiệu quả hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khu vực ngoài nhà nước.

VI. HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC MẦM NON VÙNG KHÓ KHĂN GIAI ĐOẠN 2022 - 2030

Chương trình “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022 - 2030” (phê duyệt bởi Quyết định số 1609/QĐ-TTg, ngày 26/12/2022) hướng tới đối tượng là: Trẻ em, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và cơ sở giáo dục mầm non thuộc các huyện nghèo, thôn, xã khó khăn, đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, các thôn, xã khó khăn, đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các thôn, xã thuộc vùng khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, cơ quan có thẩm quyền (sau đây gọi chung là vùng khó khăn) và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Mục tiêu cụ thể: Đối với trẻ em, đến năm 2025: có ít nhất 20% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ và 90% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo vùng khó khăn được đến cơ sở giáo dục mầm non, trong đó có 30% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non được tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ phù hợp theo độ tuổi; có ít nhất 50% các tỉnh tập trung đông trẻ em người dân tộc thiểu số có mô hình về tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ. Đến năm 2030: có ít nhất 25% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ và 95% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo vùng khó khăn được đến cơ sở giáo dục mầm non, trong đó có 60% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non được tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ phù hợp theo độ tuổi; có ít nhất 80% các tỉnh tập trung đông trẻ em người dân tộc thiểu số có mô hình về tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ. Hằng năm, 100% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non vùng khó khăn được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục theo chương trình giáo dục mầm non phù hợp với điều kiện vùng miền, dân tộc và đặc điểm riêng của trẻ.

Đối với giáo viên, đến năm 2025: bồi dưỡng 30% giáo viên biết sử dụng tiếng mẹ đẻ của trẻ. Đến năm 2030: bồi dưỡng 60% giáo viên biết sử dụng tiếng mẹ đẻ của trẻ; phấn đấu bảo đảm định mức giáo viên/nhóm, lớp theo quy định. Đối với cơ sở giáo dục mầm non, đến năm 2030: phấn đấu xóa bỏ 100% phòng học nhờ, phòng học tạm; xây mới trường học theo dự báo quy hoạch mạng lưới trường lớp mầm non của các địa phương; bổ sung đủ bộ đồ chơi ngoài trời, bộ đồ chơi trong lớp cho trường học mới và phòng học mới do tăng quy mô.

Các nhiệm vụ, giải pháp chính: Rà soát, nghiên cứu bổ sung, đề xuất xây dựng chính sách hỗ trợ đối với trẻ em và cơ sở giáo dục mầm non vùng khó khăn, nhất là đối tượng trẻ em nhà trẻ; phấn đấu bảo đảm định mức giáo viên/nhóm, lớp theo quy định đối với vùng khó khăn, ưu tiên đối với giáo viên dạy nhóm, lớp tại điểm lẻ ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sông nước, biên giới, hải đảo và bãi ngang ven biển; rà soát, nghiên cứu, đề xuất xây dựng, bổ sung cơ chế chính sách đối với đội ngũ giáo viên vùng khó khăn; hoàn thiện các chính sách đào tạo theo địa chỉ, cử tuyển và tuyển dụng, sử dụng đối với đội ngũ giáo viên là người địa phương dạy trẻ em người dân tộc thiểu số; thực hiện đầy đủ, kịp thời cơ chế thu hút, động viên giáo viên công tác lâu dài ở vùng khó khăn; nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp.

Tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên về: công tác quản lý, triển khai chương trình giáo dục mầm non phù hợp với đặc điểm trẻ em vùng khó khăn và phương pháp, kỹ năng thực hiện giáo dục song ngữ, tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ em người dân tộc thiểu số, đặc biệt quan tâm đến trẻ em nhà trẻ, trẻ mẫu giáo bé mới ra lớp; thăm quan chia sẻ học tập mô hình điểm.

Có kế hoạch, lộ trình, giải pháp xây dựng nhà công vụ cho giáo viên, xóa phòng học nhờ, phòng học tạm, bổ sung phòng học còn thiếu, mua sắm thêm đồ dùng học tập tại vùng khó khăn đáp ứng nhu cầu tới trường, lớp của trẻ em, quan tâm đến đối tượng trẻ em nhà trẻ, mẫu giáo bé; bổ sung tài liệu, học liệu phục vụ việc tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ và nâng chất lượng giáo dục mầm non vùng khó khăn.

Triển khai chương trình giáo dục mầm non phù hợp với điều kiện vùng miền, phù hợp với đặc điểm của trẻ em người dân tộc thiểu số. Rà soát, hoàn thiện chương trình, đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục mầm non phù hợp với vùng khó khăn, đặc điểm tiếp nhận và văn hóa, ngôn ngữ mẹ đẻ của trẻ.

Hình thành cơ chế, khuyến khích tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng trường, lớp mầm non. Vận động sự tham gia của toàn dân và các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp; phát huy sáng kiến của cộng đồng phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn.

Tăng cường công tác phối hợp, huy động sức mạnh, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị; các ban ngành có liên quan, đặc biệt là vai trò của các ban dân tộc, các tổ chức Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên trong hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn. Huy động nguồn lực từ các tổ chức quốc tế hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật; hợp tác và tiếp thu có chọn lọc các phương pháp tiến bộ trong việc nâng chất lượng giáo dục mầm non, tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ em người dân tộc thiểu số, phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn.

Đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến về sự cần thiết, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chương trình nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các bậc cha mẹ, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và cộng đồng đối với việc đầu tư, chăm lo phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn…

VII. BỒI DƯỠNG NÂNG CAO NĂNG LỰC ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ TRẺ VÀ CÁN BỘ LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ LÀ NỮ CỦA CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG Ở NƯỚC NGOÀI GIAI ĐOẠN 2023 - 2025

Đề án “Bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ và cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ của chính quyền địa phương ở nước ngoài giai đoạn 2023 - 2025 (được phê duyệt bởi Quyết định số 1641/QĐ-TTg, ngày 28/12/2022).

Mục tiêu cụ thể là: Giai đoạn 2023 - 2025 tổ chức bồi dưỡng ở nước ngoài cho khoảng 180 - 200 cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ (dưới 45 tuổi) và cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ của chính quyền địa phương, cụ thể: mỗi năm tổ chức khoảng 04 khóa bồi dưỡng, mỗi khóa có khoảng từ 15 - 17 cán bộ, công chức thuộc đối tượng của Đề án.

Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Tập trung bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và yêu cầu vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo trẻ, cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ của các địa phương.

Đổi mới hình thức và phương pháp tổ chức bồi dưỡng: Tổ chức các khóa bồi dưỡng ngắn hạn (02 tuần) ở nước ngoài (ưu tiên lựa chọn Nhật Bản, Cộng hòa Pháp và một số nước tiên tiến khác); kết hợp giữa học tập và nghiên cứu, khảo sát thực tế. Căn cứ vào chủ đề, nội dung cụ thể của từng khóa bồi dưỡng để lựa chọn các đơn vị, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có uy tín, chất lượng, nhiều kinh nghiệm trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong hoạt động bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ và cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ của chính quyền địa phương. Tích cực mở rộng quan hệ tìm nguồn tài trợ nước ngoài theo các mối quan hệ giữa Nhà nước, Chính phủ Việt Nam, Bộ, ngành với các nước, các tổ chức quốc tế. Xây dựng kế hoạch, chương trình hợp tác, liên kết với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có uy tín ở nước ngoài để thực hiện bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ và cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý là nữ.

Thu hút, sử dụng có hiệu quả nguồn lực cho hoạt động bồi dưỡng cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ và cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ của chính quyền địa phương ở nước ngoài. Bảo đảm nguồn lực tài chính từ ngân sách nhà nước và thu hút các nguồn lực xã hội trong và ngoài nước cho hoạt động bồi dưỡng cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ và cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ ở nước ngoài trong từng năm và cả giai đoạn 2023 - 2025.

Lộ trình: Năm 2023, 2024, tập trung xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện Đề án để hoàn thành các mục tiêu đề ra. Năm 2025, đẩy mạnh thực hiện các hoạt động để hoàn thành các mục tiêu của Đề án, đưa việc bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ và cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ thành hoạt động thường xuyên, thiết thực và triển khai đồng bộ để nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉ đạo, điều hành thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý của chính quyền địa phương…

VIII. TĂNG CƯỜNG, CỦNG CỐ HỆ THỐNG QUỸ TÍN DỤNG NHÂN DÂN

Trên cơ sở Báo cáo sơ kết thực hiện Chỉ thị số 06/CT-TTg, ngày 12/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân của Ngân hàng Nhà nước, tại công văn 1187/TTg-KTTH, ngày 21/12/2022, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Các Bộ, ngành Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục củng cố, chấn chỉnh hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng là hợp tác xã theo đúng mục tiêu, định hướng và giải pháp nêu tại Quyết định số 689/QĐ-TTg, ngày 08/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025”.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát toàn diện hoạt động của Quỹ tín dụng Nhân dân, nhất là đối với các Quỹ tín dụng Nhân dân có quy mô lớn, có dấu hiệu không lành mạnh, phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thường xuyên trao đổi thông tin và kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, đảm bảo an toàn, lành mạnh, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế.

Bộ Công an chỉ đạo Công an các địa phương chủ động nắm tình hình, tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin với các Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố về dấu hiệu sai phạm, vi phạm pháp luật và dấu hiệu bất thường khác trong hoạt động của Quỹ tín dụng Nhân dân; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố xây dựng kịch bản, phương án đảm bảo giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong quá trình xử lý Quỹ tín dụng Nhân dân yếu kém.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Hợp tác xã, Luật Các tổ chức tín dụng để đảm bảo thống nhất, đồng bộ.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, phối hợp, giám sát hoạt động của Quỹ tín dụng Nhân dân trên địa bàn; chủ động thông tin sớm cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố về dấu hiệu vi phạm, bất thường trong hoạt động của các Quỹ tín dụng Nhân dân để có biện pháp xử lý; tránh gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và an toàn hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn.

Các cơ quan tư pháp địa phương đẩy nhanh tiến độ xét xử theo quy định các vụ án liên quan đến Quỹ tín dụng Nhân dân, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tham gia xử lý Quỹ tín dụng Nhân dân yếu kém theo quy định của pháp luật; thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các Quỹ tín dụng Nhân dân, chính quyền địa phương, cơ quan thi hành án đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thi hành các bản án đã có hiệu lực pháp luật, nhằm đảm bảo thu hồi nợ cho Quỹ tín dụng Nhân dân.

IX. HỖ TRỢ NÂNG CAO NĂNG LỰC NGOẠI NGỮ VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ CHO THANH THIẾU NHI VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2022 - 2030

Chương trình “Hỗ trợ nâng cao năng lực ngoại ngữ và hội nhập quốc tế cho thanh thiếu nhi Việt Nam giai đoạn 2022 - 2030” (được phê duyệt tại Quyết định 1477/QĐ-TTg, ngày 25/11/2022) tập trung vào nhóm đối tượng thanh thiếu nhi Việt Nam từ 06 - 30 tuổi, trong đó đặc biệt chú trọng vào các nhóm đối tượng mà các chương trình, Đề án khác chưa phủ tới như trẻ em, thiếu niên nhi đồng có hoàn cảnh khó khăn, thanh niên nông thôn, thanh niên công nhân, thanh niên làm kinh tế, thanh niên lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Chương trình đề ra các mục tiêu cụ thể: 100% đoàn cơ sở, cấp huyện và cấp tỉnh có ít nhất 01 hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về học tập, rèn luyện ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh và nâng cao năng lực hội nhập quốc tế cho thanh thiếu nhi tại địa phương, đơn vị. 100% đoàn các cấp tổ chức ít nhất 01 hoạt động, khóa học ngoại ngữ, kỹ năng hội nhập quốc tế trực tuyến miễn phí dành cho thanh thiếu nhi trên địa bàn. 100% đoàn cấp tỉnh phối hợp với Hội Sinh viên, Đội Thiếu niên Tiền phong cấp tỉnh, các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông xây dựng và tổ chức ít nhất 01 sân chơi ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, các hoạt động trang bị kỹ năng hội nhập quốc tế cho thanh thiếu nhi tại địa phương, đơn vị. 100% cán bộ Đoàn, Hội, Đội chuyên trách các cấp tham gia Cuộc thi Olympic tiếng Anh dành cho cán bộ trẻ toàn quốc. Đến năm 2025 ít nhất 5.000.000 lượt thanh thiếu nhi, đến năm 2030 ít nhất 10.000.000 lượt thanh thiếu nhi được tham gia, thụ hưởng các hoạt động của Chương trình. Đến năm 2025, 80% các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông và 70% cơ quan chuyên trách Đoàn cấp tỉnh, cấp huyện hoặc tương đương, đến năm 2030, phấn đấu 100% các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông và cơ quan chuyên trách Đoàn cấp tỉnh, cấp huyện hoặc tương đương thành lập hoặc duy trì thường xuyên ít nhất 01 câu lạc bộ ngoại ngữ và hội nhập quốc tế.

Các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện: Tổ chức không gian ngoại ngữ tại các cơ quan, trường học, nơi công cộng cho đoàn viên, thanh niên thực hành, nâng cao ý thức rèn luyện ngoại ngữ; khuyến khích, tạo điều kiện cho thanh thiếu nhi tham gia sinh hoạt, học tập ngoại ngữ miễn phí tại các cung, nhà thiếu nhi; công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thanh niên đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thường xuyên được học tập và trau dồi ngoại ngữ. Phát huy các thiết chế văn hóa hiện có trong việc tạo môi trường cho thanh thiếu nhi học tập, thực hành ngoại ngữ và kỹ năng hội nhập. Tổ chức các chương trình học tập, cuộc thi, trò chơi... về ngoại ngữ cho các đối tượng thanh thiếu nhi; tổ chức các hoạt động tập huấn, nâng cao kỹ năng hội nhập quốc tế cơ bản như: giao tiếp, thuyết trình, tranh biện, làm việc nhóm, thực hành xã hội...

Đưa tiêu chí về hoạt động nâng cao năng lực ngoại ngữ và hội nhập quốc tế cho thanh thiếu nhi vào Bộ tiêu chí công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc hằng năm; nâng cao yêu cầu về tiêu chí ngoại ngữ và hội nhập quốc tế khi xét tặng các giải thưởng, danh hiệu của Đoàn, Hội. Thường xuyên rà soát, kiểm tra thực trạng năng lực, trình độ và tổng hợp nhu cầu đào tạo bồi dưỡng ngoại ngữ của đội ngũ cán bộ trẻ trên toàn quốc; tiếp tục gắn tiêu chuẩn về ngoại ngữ vào các kỳ thi tuyển công chức, bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý, nâng ngạch công chức...

Biên soạn tài liệu, xây dựng mới hoặc giới thiệu các ứng dụng phù hợp với từng lứa tuổi về học ngoại ngữ và nâng cao hội nhập quốc tế, trong đó đặc biệt chú trọng vào tiếng Anh trực tuyến miễn phí cho thanh thiếu nhi; xây dựng và cung cấp tài liệu về năng lực hội nhập quốc tế cần thiết cho thanh thiếu nhi trên ứng dụng Thanh niên Việt Nam. Xây dựng các chương trình học tập ngoại ngữ phù hợp với đội ngũ cán bộ trẻ nhằm nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ, kỹ năng hội nhập quốc tế và các kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế.

Tiếp tục duy trì quan hệ, phát huy hiệu quả quan hệ với các đối tác hiện có; nghiên cứu mở rộng quan hệ với các đối tác mới; đưa quan hệ hợp tác, đối tác hiện có vào khuôn khổ, thực chất, lâu dài. Phát triển hợp tác thanh thiếu nhi với các nước láng giềng, các nước ASEAN, các nước có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước; các tổ chức, cơ chế hợp tác đa phương mà Việt Nam là thành viên; củng cố các mối quan hệ bạn bè truyền thống; chủ động thiết lập quan hệ với các tổ chức thanh niên thuộc các Đảng có quan hệ với Đảng ta…

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho thanh thiếu nhi về công tác đối ngoại thanh thiếu nhi và hội nhập quốc tế; về tầm quan trọng của ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh và các kỹ năng hội nhập quốc tế; về vai trò, sự đóng góp của thanh thiếu nhi và tổ chức Đoàn, Hội vào quá trình hội nhập quốc tế. Tổ chức hội nghị, hội thảo, diễn đàn, tọa đàm, thông tin chuyên đề về đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước; tình hình thế giới và khu vực; các hiệp định quốc tế mà Việt Nam tham gia, đặc biệt là những hiệp định quốc tế có liên quan đến thanh thiếu nhi… Tăng cường phát hiện, giới thiệu, tuyên dương và nhân rộng gương thanh thiếu nhi thành công trong học tập, làm việc nhờ năng lực tiếng Anh; các gương thanh thiếu nhi chủ động hội nhập quốc tế, tạo uy tín và hình ảnh tốt cho thanh thiếu nhi Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là cơ quan chủ trì, thường trực giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thống nhất việc tổ chức thực hiện Chương trình; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan trong việc tổ chức thực hiện Chương trình; chủ trì và phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát, tổng hợp tình hình thực hiện Chương trình; báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai; kiến nghị về những thay đổi, điều chỉnh cần thiết phù hợp với thực tế…

HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI VÀ

TÌNH HÌNH THẾ GIỚI THỜI GIAN GẦN ĐÂY

I. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THẾ GIỚI NĂM 2022 VÀ MỘT SỐ DỰ BÁO NĂM 2023

Năm 2022, tình hình thế giới diễn biến phức tạp và khó lường. Hòa bình, hợp tác vẫn là xu thế chủ đạo, song sự xuất hiện của một số xung đột, đối đầu, với không ít điểm nóng khiến mặt cạnh tranh ngày càng nổi trội. Các điểm nóng trên thế giới như tình hình Đài Loan, Bán đảo Triều Tiên, an ninh tại Afghanistan,… có nhiều diễn biến mới, căng thẳng. Nổi bật là ngày 24/02/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine với lý do chính quyền Kiev và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã đe dọa an ninh nghiêm trọng Moscow. Kể từ đó đến nay, xung đột này trải qua ba giai đoạn và tiếp tục diễn ra, tác động to lớn tới toàn bộ đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, quan hệ quốc tế. Cùng với hệ lụy từ đại dịch Covid-19, nền kinh tế toàn cầu sụt giảm tăng trưởng. Lạm phát cao quay trở lại, chuỗi cung ứng tiếp tục gián đoạn, giá nhiên liệu, lương thực tăng cao đe dọa nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân tại nhiều quốc gia, trong đó, đặc biệt là các nước đang phát triển.

Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra ngày càng sâu sắc. Cạnh tranh Mỹ - Trung ngày càng trở nên toàn diện hơn, Từ chính trị, kinh tế, cạnh tranh giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới đã mở rộng ra lĩnh vực công nghệ và chất bán dẫn. Chiến lược an ninh quốc gia và Chiến lược quốc phòng quốc gia Mỹ đều coi Trung Quốc là đối thủ số một và thách thức dài hạn. Nga tiếp tục đối đầu căng thẳng với các nước phương Tây xung quanh các lệnh trừng phạt và giá nhiên liệu dưới tác động từ tình hình Ukraine.

Bên cạnh đó, các vấn đề toàn cầu, các vấn đề an ninh phi truyền thống vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, là thách thức chung của nhân loại. Trong đó, biến đổi khí hậu ngày càng gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn đối với con người và môi trường. Dịch bệnh Covid-19, bệnh đậu mùa khỉ tiếp tục tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm trên toàn cầu.

Cục diện kinh tế, chính trị - an ninh thế giới năm 2023 được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn, phức tạp, khó lường, do sự chi phối của nhiều nhân tố, trong đó ba nhân tố lớn là xung đột ở Ukraine và các hệ quả; cạnh tranh giữa các nước lớn, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc và các yếu tố an ninh phi truyền thống. Các nhân tố này liên kết và lồng vào nhau, có khả năng đẩy nền kinh tế thế giới vào khủng hoảng và tạo nên những bất ổn, căng thăng và xung đột địa chính trị gay gắt tại nhiều nơi trên thế giới, mặc dù chiến tranh quy mô lớn ít khả năng xảy ra. Xung đột Ukraine theo các chuyên gia nhiều khả năng sẽ leo thang và kéo dài trong năm 2023. Đồng nghĩa với việc căng thẳng trong quan hệ giữa Nga với Mỹ và phương Tây sẽ tiếp tục kéo dài. Trung Quốc và Nga sẽ tiếp tục tăng cường củng cố mối quan hệ đồng minh chiến lược. Trên quy mô toàn cầu, giá năng lượng, lạm phát, lãi suất tăng cao, tình trạng thiếu lương thực - tất cả đều phụ thuộc vào diễn biến của cuộc xung đột này.

Cạnh tranh giữa các nước lớn, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ còn gay gắt hơn trong năm tới với việc Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc khẳng định vị thế và tiếp tục thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa”, thay thế Mỹ trở thành siêu cường số 1 thế giới vào năm 2049. Vấn đề Đài Loan được giới nghiên cứu cho rằng sẽ là một trong những điểm nóng, gây ra căng thẳng trong quan hệ Trung - Mỹ. Cuộc cạnh tranh giữa hai siêu cường được cho là sẽ diễn ra toàn diện và trải rộng trên nhiều địa bàn, trong đó trước hết vẫn là khu vựcẤn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng dự báo các thách thức an ninh phi truyền thống có xu hướng trầm trọng hơn trong năm 2023. Nhu cầu năng lượng toàn cầu sẽ tăng đáng kể do dân số và hoạt động kinh tế gia tăng, trong khi giá năng lượng vẫn ở mức cao, và nguồn cung khí đốt và dầu từ Nga và các thành viên OPEC giảm. Cuộckhủng hoảng năng lượngsẽ khiến một số chính phủ phải xem lại kế hoạch loại bỏ dần điện hạt nhân. Đồng thời, điều này thúc đẩy các nước tăng cường đầu tư vào nguồn năng lượng tái tạo và hệ thống lưu trữ năng lượng. Mặt khác, một số nước có thể quay trở lại với nhiên liệu hóa thạch để đảm bảo nguồn cung trước mắt. Năm 2023 là thời điểm mà các vấn đề khan hiếm nước, an ninh lương thực và an ninh mạng sẽ thực sự trở nên nghiêm trọng đối với thế giới.

II. CÔNG TÁC ĐỐI NGOẠI CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC TA NĂM 2022

Năm 2022, trước những biến động khó lường của tình hình thế giới, bằng việc kiên định với đường lối đối ngoại theo văn kiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng, công tác đối ngoại của Việt Nam đã xử lý thoả đáng các thách thức mới nảy sinh; đạt được nhiều kết quả tích cực.

Thế giới chuyển sang trạng thái thích ứng sau đại dịch Covid-19, mở cửa và nối lại các hoạt động giao lưu, trao đổi, hợp tác, là tiền đề quan trọng cho các hoạt động đối ngoại cấp cao diễn ra sôi động, sâu sắc và toàn diện trong cả năm. Chỉ tính riêng trong năm 2022, Việt Nam đã triển khai hơn 15/30 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện; gần 70 hoạt động đối ngoại của lãnh đạo chủ chốt cả trực tiếp và trực tuyến; trong đó có 14 đoàn ra và 19 đoàn vào; nhiều văn kiện, thỏa thuận hợp tác cụ thể, thực chất được ký kết nhân các dịp này.

Bên cạnh đối ngoại song phương, đối ngoại đa phương tiếp tục đóng góp quan trọng vào việc nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam tại các diễn đàn khu vực và quốc tế; góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc Việt Nam. Trước những diễn biến phức tạp của quan hệ quốc tế, nhất là xung quanh tình hình xung đột Nga - Ukraine, Việt Nam đã xử lý thỏa đáng, đúng mực, có trách nhiệm, thể hiện được quan điểm, lập trường trong giải quyết những vấn đề quốc tế quan trọng. Những đề xuất, kiến nghị của Việt Nam tại các diễn đàn hợp tác đa phương được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Năm 2022, Việt Nam được quốc tế tín nhiệm bầu vào nhiều tổ chức quốc tế quan trọng như Phó Chủ tịchĐại hội đồng Liên hợp quốckhóa 77, thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 -2025, Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO nhiệm kỳ 2022 - 2026…

Công tác đối ngoại được triển khai đồng bộ trên tất cả các kênh từ đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, ngoại giao Nghị viện, đối ngoại Nhân dân; toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Điển hình như Chỉ thị số 15-CT/TW về công tác ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế được Ban Bí thư ban hành ngày 10/8/2022là cơ sở để chủ động, kịp thời chuyển trọng tâm sang hỗ trợ thích ứng an toàn, phục hồi - tăng trưởng. Trên lĩnh vực đối ngoại quốc phòng, bám sát tình hình, kiên quyết, kiên trì, vừa hợp tác, vừa đấu tranh, linh hoạt xử lý các diễn biến phức tạp, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, nhất là an ninh chủ quyền biển đảo, công tác đối ngoại đã thúc đẩy tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) giữa Trung Quốc và ASEAN; bảo vệ các hoạt động kinh tế biển; hoàn tất việc đàm phán phân định Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) sau 12 năm với Indonesia. Tại Liên hợp quốc, Việt Nam đã phát biểu đại diện cho 12 nước thành viên sáng lập Nhóm bạn bè của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, cam kết thúc đẩy việc thực hiện và tuân thủ công ước.Ngoại giao văn hóa có nhiều kết quả nổi bật.Nhiều di sản Việt Nam tiếp tục được thế giới công nhận. Các chương trình Ngày Việt Nam tại các nước, SEA Games 31 đã gây ấn tượng mạnh với bạn bè quốc tế.

Công tác bảo hộ công dân Việt Nam được triển khai nhanh chóng hiệu quả, điển hình là việc sơ tán an toàn hơn 6.000 công dân, kiều bào ta tại Ukraine, đưa về nước khoảng 1.200 công dân bị cưỡng bức lao động tại Campuchia, bảo hộ hàng trăm ngư dân, tàu cá, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân ta ở nước ngoài. Từ đó, tích cực chăm lo cho kiều bào ta ổn định và phát triển, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trong năm 2022, phát huy thế và lực mới của đất nước, bám sát đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, đúng đắn của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, công tác đối ngoại của Việt Nam đã đạt nhiều kết quả toàn diện và quan trọng, củng cố vững chắc cục diện đối ngoại thuận lợi cho việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao hơn nữa vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.

III. DỰ BÁO MỘT SỐ THÁCH THỨC VỀ ĐỐI NGOẠI NƯỚC MỸ PHẢI ỨNG PHÓ TRONG NĂM 2023

Nước Mỹ đã trải qua năm 2022 không ít sóng gió trong vấn đề ngoại giao. Cuộc xung đột tại Ukraine là một phần nổi bật trong hồ sơ đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Biden trong năm 2022. Ngay từ những ngày đầu Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Mỹ đã nỗ lực khẳng định vị thế dẫn dắt và tầm ảnh hưởng quốc tế. Do vậy, cạnh tranh Mỹ - Nga càng bộc lộ tính quyết liệt hơn. Là nhà cung cấp viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine, thách thức đầu tiên trong năm 2023 của chính quyền Tổng thống Biden theo các chuyên gia sẽ là phải duy trì viện trợ quân sự, nguồn cung cấp vũ khí ổn định cho Ukraine dưới sự giám sát chặt chẽ hơn từ đảng Cộng hòa đang nắm quyền kiểm soát Hạ viện.

Kể từ khi xung đột xảy ra, Mỹ và các đồng minh châu Âu đã mở “cuộc chiến” trừng phạt, cấm vận “chưa từng có” đối với Nga. Cuộc xung đột đến nay chưa có dấu hiệu chấm dứt. Do vậy, chính quyền Tổng thống Biden sẽ phải duy trì sự thống nhất với các đồng minh châu Âu để tiếp tục gia tăng sức ép lên Nga cũng như tăng cường hỗ trợ cho Ukraine. Các nhà phân tích của Foreign Policy cho rằng, mặc dù châu Âu ủng hộ Ukraine nhưng việc giá năng lượng, lương thực tăng cao và suy thoái kinh tế cũng khiến các nước châu Âu khó đưa ra quyết định.

Thách thức thứ hai về đối ngoại Mỹ phải đối mặt trong năm 2023 là sự cạnh tranh và quản lý cạnh tranh công nghệ giữa Mỹ với Trung Quốc. Trong năm 2022, Tổng thống Mỹ Biden đã đẩy cuộc cạnh tranh chất bán dẫn với Trung Quốc lên cao với việc ban hành Đạo luật Khoa học và CHIPS siết chặt xuất khẩu chip bán dẫn sang Trung Quốc. Động thái nhằm ngăn cản sự cạnh tranh từ Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cao.

Thách thức thứ ba là vấn đề hạt nhân. Trước tiên là đàm phán hạt nhân Iran. Trong năm 2022 những nỗ lực của Tổng thống Mỹ Biden nhằm cứu vãn các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran rơi vào bế tắc. Cả Mỹ và Iran đều thừa nhận rằng các cuộc đàm phán kết thúc mà không đạt kết quả gì. Đặc phái viên Mỹ về Iran - ông Robert Malley cảnh báo Iran sắp đủ nguyên liệu để sản xuất vũ khí hạt nhân và cáo buộc Tehran phá hỏng các thỏa thuận. Tiếp đến là vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Trong năm 2022, Triều Tiên vượt kỷ lục về số vụ phóng đạn pháo và tên lửa đạn đạo. Trong năm 2023, Mỹ và Hàn Quốc dự kiến sẽ tiếp tục tập trận quân sự chung và lên án chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên tại Liên hợp quốc (LHQ). Tuy nhiên giới quan sát cho rằng với mối quan hệ “phức tạp” của Mỹ với 2 thành viên khác của Hội đồng Bảo an LHQ là Nga và Trung Quốc, các nỗ lực như vậy tại LHQ sẽ không dễ dàng.

Trong khi đó, tương lai của Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) - hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân cuối cùng còn sót lại giữa Mỹ và Nga vốn được coi là đóng góp tích cực vào nỗ lực ngăn chặn sử dụng và phổ biến vũ khí hạt nhân trên thế giới - dự báo sẽ đối mặt với tương lai khó đoán. Nga và Mỹ ký New START năm 2010. Tháng 02/2021, hai bên đã gia hạn hiệp ước này thêm 5 năm, đến ngày 05/2/2026. Cuối tháng 8/2022, đã xuất hiện những tín hiệu về khả năng nối lại đàm phán về việc gia hạn Hiệp ước New START song vẫn chưa có tiến bộ đáng kể nào trong vấn đề này.

Việc Đảng Dân chủ không duy trì được thế đa số tại Quốc hội Mỹ sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tháng 11/2022 sẽ tác động lớn đến các bước triển khai chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Biden. Hiện Đảng Cộng hòa đã nắm quyền kiểm soát Hạ viện. Ưu tiên cao nhất trong chương trình nghị sự của các nghị sĩ đảng Cộng hòa sẽ là điều tra việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan năm 2021, sau đó là viện trợ cho Ukraine, cũng như chính sách đối với Trung Quốc. Quyết định rút quân khỏi Afghanistan hồi tháng 8/2021 của Mỹ đến nay vẫn gây tranh cãi. Những chuyến bay sơ tán hỗn loạn tại sân bay quốc tế Kabul làm ảnh hưởng đến niềm tin của các nước đồng minh phương Tây và người dân trong nước.

Vấn đề lớn khác là viện trợ quân sự cho Ukraine. Mặc dù Quốc hội Mỹ đã tăng cường ngân sách cho Lầu Năm Góc vượt hơn yêu cầu của Mỹ, nhưng một số nghị sĩ đảng Cộng hòa muốn giảm mức viện trợ cho Ukraine. Hạ nghị sĩ Cộng Hòa Marjorie Taylor Greene tuyên bố sẽ giám sát chặt chẽ hơn viện trợ quân sự cho Kiev, và Thượng nghị sĩ J.D.Vance cho biết ông không “thực sự quan tâm” đến những gì xảy ra với Ukraine.

Cuối cùng, vấn đề đang đặt ra với chính quyền Tổng thống Mỹ Biden năm 2023 là đảm bảo nguồn cung năng lượng, tránh tăng giá đột biến ở trong và ngoài nước. Quốc hội Mỹ năm 2022 đã thông qua dự luật lớn về khí hậu, thuế và chăm sóc sức khỏe của Tổng thống Biden để dần giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, làm gia tăng căng thẳng với các đồng minh châu Âu.

IV. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH NĂM 2022; DỰ BÁO NĂM 2023
Năm 2022 là một năm khó khăn chồng chất với hệ thống y tế toàn cầu khi phải căng sức ứng phó với nhiều loại dịch bệnh vào cùng một thời điểm. Thế giới trải qua năm thứ 3 đại dịch Covid-19 hoành hành và được đánh giá là năm của “cơn sóng thần” Omicron và các biến thể phụ với khả năng lây truyền cao. Số ca mắc Covid-19 mới tăng mạnh ở Pháp, Ðức, Italy, Hàn Quốc, Singapore, Australia... Hội chứng Covid-19 kéo dài gây sa sút nghiêm trọng về sức khỏe thể chất và tinh thần của người dân các nước. Hệ thống chăm sóc sức khỏe của nhiều nước thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải do lượng bệnh nhân tăng và thiếu nhân lực y tế trầm trọng.

Trong khi đó, các căn bệnh như đậu mùa khỉ, cúm mùa, dịch tả, Ebola, sốt xuất huyết... cũng bùng phát và diễn biến phức tạp. Tại châu Âu, sự hoành hành đồng thời của virus cúm mùa và Covid-19 tạo áp lực đáng kể cho hệ thống y tế. Hạn hán và lũ lụt tấn công vùng Sừng châu Phi và vùng Sahel, cũng như Pakistan, kéo theo nhiều căn bệnh truyền nhiễm.

Tuy nhiên, sau một năm trải qua nhiều thách thức, những điểm sáng tích cực đang xuất hiện trên bức tranh tổng thể của y tế toàn cầu với đà suy yếu của nhiều loại dịch bệnh. Ngày 21/12/2022, Tổng Giám đốc Ghebreyesus nêu rõ đại dịch Covid-19 đang trên đà suy yếu khi số ca tử vong do Covid-19 được báo cáo hằng tuần trên toàn thế giới đã giảm gần 90% kể từ mức đỉnh của cuối tháng 01/2022, thời điểm biến thể Omicron hoành hành. Bệnh đậu mùa khỉ toàn cầu đã giảm hơn 90% kể từ tháng 7 - thời điểmWHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Trong tháng 01/2023, dự kiến Ủy ban Khẩn cấp về dịch Covid-19 thuộc WHO sẽ thảo luận về các tiêu chí để tuyên bố kết thúc tình trạng khẩn cấp.

Bước tiến trong cuộc chiến đẩy lùi dịch Covid-19 là việc triển khai tiêm vaccine, nhiều phương pháp điều trị cải tiến cho người mắc Covid-19 cũng như nâng cao nhận thức của người dân về các rủi ro của bệnh. Đối với dịch đậu mùa khỉ, kích hoạt phản ứng phối hợp quốc tế, thúc đẩy công tác tài trợ nhằm hợp tác chia sẻ vaccine và phương pháp điều trị dịch bệnh này trong bối cảnh dịch có dấu hiệu lây lan nhanh là những nỗ lực khẳng định quyết tâm của cộng đồng quốc tế. Cùng với đó là chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động liên quan đến ứng phó biến đổi khí hậu với các đợt hạn hán, lũ lụt, vốn tạo môi trường thuận lợi cho virus gây bệnh truyền nhiễm lây lan ở nhiều quốc gia.

Dù kỳ vọng vào một năm mới khởi sắc với hệ thống y tế toàn cầu song người đứng đầu WHO cũng bày tỏ thận trọng khi yêu cầu các quốc gia không được chủ quan và xác định 5 ưu tiên cần thực hiện ở cơ quan y tế các nước trong năm 2023. Đó là tập trung vào nâng cao sức khỏe và phòng ngừa dịch bệnh bằng cách chuyển từ chăm sóc bệnh tật sang chăm sóc sức khỏe; tăng cường bao phủ y tế toàn dân, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe ban đầu; tăng cường chuẩn bị sẵn sàng và ứng phó khẩn cấp; đẩy mạnh công tác nghiên cứu, khoa học và công nghệ; và tiếp tục cải tổ WHO.

V. MỘT SỐ TÌNH HÌNH THẾ GIỚI THỜI GIAN GẦN ĐÂY

- Thượng viện Mỹ thông qua dự thảo Đạo luật ủy quyền quốc phòng (NDAA). Với 83 phiếu thuận và 11 phiếu chống, dự thảo Đạo luật ủy quyền quốc phòng (NDAA) hằng năm trị giá 858 tỷ USD được thông qua. Dự luật đưa ra mức chi tiêu cao hơn 45 tỷ USD dành cho quốc phòng so với mức đề xuất của Tổng thống Biden, trong đó phân bổ 817 tỷ USD cho Bộ Quốc phòng và 30 tỷ USD cho Bộ Năng lượng.Dự luật cũng bao gồm các khoản viện trợ quân sự dự định dành cho các quốc gia và vùng lãnh thổ khác, trong đó có 800 triệu USD hỗ trợ an ninh cho Ukraine. Dự luật này còn phân bổ 6 tỷ USD cho “Sáng kiến răn đe châu Âu”, một chương trình được khởi xướng vào năm 2014 nhằm tăng cường sự sẵn sàng của quân đội Mỹ ở châu Âu.

- Nga đơn phương ngừng bắn tại Ukraine. Kênh truyền hình quốc gia First Channel của Nga đưa tin lệnh ngừng bắn đơn phương do Tổng thống Vladimir Putin đưa ra đã được thực hiện trên toàn mặt trận ở Ukraine kể từ trưa 06/01/2023 theo giờ Moskva. Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh ngừng bắn tạm thời dọc theo toàn bộ chiến tuyến từ ngày 06 - 07/01/2023, thời điểm lễ Giáng sinh của Chính thống giáo, đồng thời kêu gọi Ukraine có hành động tương tự, Ukraine đã khước từ thực hiện các bước đi tương tự.Ngay sau thông báo của Nga, Phó Tổng Thư ký phụ trách các vấn đề nhân đạo kiêm Điều phối viên cứu trợ khẩn cấp của Liên hợp quốc Martin Griffiths bày tỏ hoan nghênh lệnhngừng bắntạm thời do Nga đơn phương công bố ở Ukraine, cho rẳng đây là cơ hội để gửiviện trợ nhân đạotới người dân ở các khu vực xung đột.

VĂN BẢN MỚI

1. Nghị quyết 165/NQ-CP ngày 20/12/2022 của Chính phủ về học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022 - 2023

Để tiếp tục hỗ trợ kịp thời đối với học sinh, sinh viên, hộ gia đình có thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn, bình ổn giá và kiểm soát lạm phát góp phần phục hồi phát triển kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc phạm vi quản lý giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022 - 2023 như năm học 2021 - 2022. Cụ thể như sau:

Đối với học phí của các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập: Cơ sở giáo dục chưa tự bảo đảm chi thường xuyên: Giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022 - 2023 bằng mức thu học phí của năm học 2021 - 2022 do Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành áp dụng tại địa phương. Trường hợp địa phương tăng học phí năm học 2022 - 2023 thì ngân sách địa phương đảm bảo phần chênh lệch tăng thêm so với số thu học phí năm học 2021 - 2022. Mức hỗ trợ cho từng cơ sở giáo dục do địa phương xem xét quyết định. Cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên, cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư: Cơ sở giáo dục xây dựng mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế- kỹ thuật, định mức chi phí, trình Ủy ban nhân dân để đề nghị Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét phê duyệt. Khuyến khích các địa phương bố trí ngân sách tăng chi thường xuyên cho các cơ sở giáo dục.

Đối với học phí của các cơ sở giáo dục đại học và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập: Giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022 - 2023 bằng mức thu học phí của năm học 2021 - 2022 do cơ sở giáo dục đã ban hành theo quy định của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Nhà nước cấp bù tiền miễn, giảm học phí theo mức trần học phí năm học 2021 - 2022 đã quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP. Khuyến khích các địa phương bố trí và huy động các nguồn lực hợp pháp để thực hiện việc hỗ trợ tiền đóng học phí năm học 2022 - 2023 đối với học sinh, sinh viên đang theo học các ngành, nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các ngành nghề bị tác động do dịch bệnh Covid-19 và phục hồi kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ ngày 30/01/2022 về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Thủ trưởng các bộ, ngành và các địa phương hướng dẫn các cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc phạm vi quản lý tổ chức triển khai thực hiện.

2. Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập

Các công việc hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan hành chính thực hiện quản lý và áp dụng chế độ, chính sách như công chức, gồm: bảo vệ ở các cơ quan, đơn vị: Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ; Kho tiền hoặc Kho hồ sơ ấn chỉ có giá trị như tiền của Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Kho ấn chỉ thuế, Kho ấn chỉ hải quan; lái xe phục vụ Bộ trưởng hoặc chức vụ, chức danh tương đương Bộ trưởng trở lên; lái xe chuyên dùng chuyên chở tiền của Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước; người làm công việc hỗ trợ, phục vụ khác tại cơ quan trọng yếu, cơ mật ở Trung ương theo quyết định của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý. Các công việc chuyên môn, nghiệp vụ thuộc danh mục vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Điều kiện ký kết hợp đồng: Đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập: Phải có nhu cầu ký kết hợp đồng thực hiện các công việc quy định ở trên và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu khác theo quy định của pháp luật. Đối với tổ chức cung cấp dịch vụ: Phải đáp ứng đầy đủ điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật, bảo đảm chế độ cho người lao động theo quy định của pháp luật lao động và quy định của pháp luật khác có liên quan. Đối với cá nhân: Cá nhân ký kết hợp đồng lao động làm công việc hỗ trợ, phục vụ phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau đây: Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam; đủ tuổi lao động theo quy định của pháp luật lao động và pháp luật chuyên ngành; có đủ sức khỏe để làm việc; có lý lịch được cơ quan có thẩm quyền xác nhận; có khả năng đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm; không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chấp hành án phạt tù, cải tạo không giam giữ hoặc đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; không trong thời gian bị cấm hành nghề hoặc cấm làm công việc liên quan đến công việc ký kết hợp đồng; đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành và theo tiêu chuẩn, điều kiện của vị trí việc làm theo quy định của cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng.

Cá nhân ký kết hợp đồng lao động làm chuyên môn, nghiệp vụ phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện và được hưởng các quyền lợi sau đây: Đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định như đối với cá nhân ký kết hợp đồng lao động làm công việc hỗ trợ, phục vụ nêu trên; đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện về chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật chuyên ngành; chịu trách nhiệm về việc thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật, theo thỏa thuận trong hợp đồng và theo yêu cầu của đơn vị sự nghiệp công lập.

Thời gian làm việc theo hợp đồng lao động (không kể thời gian tập sự, thử việc) đối với trường hợp ký hợp đồng lao động làm chuyên môn, nghiệp vụ được tính làm căn cứ xếp lương theo vị trí việc làm nếu được tuyển dụng, tiếp nhận vào làm công chức, viên chức. Việc xếp lương trong ứng với vị trí việc làm được tuyển dụng, tiếp nhận thực hiện theo quy định của pháp luật; được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định.

3. Quyết định 1661/QĐ-TTg ngày 31/12/2022 hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai 10 tháng đầu năm 2022

Chính phủ bổ sung 1.800 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2022 cho 28 địa phương, cụ thể: Lạng Sơn 50 tỷ đồng, Lào Cai 40 tỷ đồng, Lai Châu 30 tỷ đồng, Hà Giang 30 tỷ đồng, Tuyên Quang 40 tỷ đồng, Cao Bằng 30 tỷ đồng, Bắc Kạn 40 tỷ đồng, Hòa Bình 60 tỷ đồng, Điện Biên 30 tỷ đồng, Sơn La 40 tỷ đồng, Yên Bái 30 tỷ đồng, Phú Thọ 50 tỷ đồng, Ninh Bình 40 tỷ đồng, Thanh Hóa 120 tỷ đồng, Nghệ An 200 tỷ đồng, Hà Tĩnh 50 tỷ đồng, Quảng Bình 70 tỷ đồng, Quảng Trị 120 tỷ đồng, Thừa Thiên Huế 150 tỷ đồng, Đà Nẵng 100 tỷ đồng, Quảng Nam 150 tỷ đồng, Quảng Ngãi 100 tỷ đồng, Phú Yên 30 tỷ đồng, Kon Tum 30 tỷ đồng, Đắk Lắk 40 tỷ đồng, Đắk Nông 30 tỷ đồng, Lâm Đồng 30 tỷ đồng, Cà Mau 70 tỷ đồng để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai 10 tháng đầu năm 2022.

Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố nêu trên chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác của nội dung và số liệu báo cáo, đề xuất. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí được hỗ trợ đúng phạm vi, đối tượng, đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; chịu trách nhiệm huy động nguồn lực địa phương để cùng với kinh phí hỗ trợ của ngân sách trung ương hoàn thành các dự án đúng tiến độ, hiệu quả; gửi kết quả phân bổ bao gồm danh mục dự án, số kinh phí hỗ trợ cho từng dự án về Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, theo dõi, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đối với kinh phí thực hiện các dự án đầu tư mang tính chất lâu dài, bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của địa phương để thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và các quy định của pháp luật có liên quan…



[1] Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã triển khai 25 đoàn thanh, kiểm tra định kỳ và 40 đoàn kiểm tra đột xuất về hoạt động chào bán, mua lại cổ phiếu, bán cổ phiếu quỹ, chào mua công khai, việc thực hiện nghĩa vụ của công ty đại chúng, tổ chức niêm yết,... việc tuân thủ quy định pháp luật chứng khoán đối với các công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ.

BẢN TIN THÔNG TIN SINH HOẠT CHI BỘ SỐ 02 NĂM 2023

Đăng lúc: 14/01/2023 (GMT+7)
100%

BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG

TRUNG TÂM THÔNG TIN

CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO

*

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

Hà Nội, ngày 13 tháng 01 năm 2023

BẢN TIN THÔNG TIN SINH HOẠT CHI BỘ SỐ 2 NĂM 2023

THÔNG TIN TRONG NƯỚC

I. KẾ HOẠCH LẤY Ý KIÊN NHÂN DÂN ĐỐI VỚI DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

Thực hiện Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15, ngày 23/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 170/NQ-CP, ngày 31/12/2022 về ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó có một số nội dung chủ yếu sau:

Đối tượng lấy ý kiến về dự thảoLuật Đất đai (sửa đổi): Các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên của Mặt trận, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các tổ chức kinh tế khác; các viện nghiên cứu, trường đại học và chuyên gia, nhà khoa học.

Nội dung lấy ý kiến gồm: Bố cục, nội dung và kỹ thuật trình bày của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; hộ gia đình sử dụng đất. Các nội dung trọng tâm theo từng nhóm đối tượng như sau:

Các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài: các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; trình tự, thủ tục thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; về mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; về mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa; thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai; chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các tổ chức kinh tế khác: các trường hợp được Nhà nước cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê và cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm; quy định về bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất; các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; việc sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thông qua thỏa thuận về quyền sử dụng đất; việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm; nguyên tắc xác định giá đất, bảng giá đất, giá đất cụ thể; các trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; chế độ sử dụng đất trong các khu công nghiệp.

Các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp: thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; về người sử dụng đất, hộ gia đình sử dụng đất; căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; quy định về bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất; việc sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thông qua việc thỏa thuận về quyền sử dụng đất; việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm; nguyên tắc xác định giá đất, bảng giá đất, giá đất cụ thể; thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai.

Các chuyên gia, nhà khoa học: phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm; chế độ sử dụng đất đa mục đích, đất xây dựng công trình ngầm, trên không; nguyên tắc xác định giá đất, bảng giá đất, giá đất cụ thể.

Hình thức lấy ý kiến: góp ý trực tiếp bằng văn bản (bản giấy, thư điện tử) áp dụng cho tất cả các đối tượng lấy ý kiến. Ý kiến góp ý gửi đến cơ quan, tổ chức được phân công trách nhiệm tại Kế hoạch này hoặc gửi trực tiếp đến Bộ Tài nguyên và Môi trường theo địa chỉ: Số 10 Tôn Thất Thuyết, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội hoặc qua hộp thư điện tử:luatdatdat@monre.gov.vn. Tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm đối với các cơ quan nhà nước; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; doanh nghiệp, hợp tác xã và các tổ chức kinh tế khác; các chuyên gia, nhà khoa học. Ý kiến góp ý tại hội nghị, hội thảo, tọa đàm được cơ quan chủ trì tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm tập hợp, tổng hợp gửi về các cơ quan có trách nhiệm lấy ý kiến Nhân dân nêu tại Điều 6, Nghị quyết số 671/UBTVQH15 để xây dựng báo cáo lấy ý kiến gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường, đồng thời gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Góp ý trực tiếp thông qua website chính thức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại địa chỉ: luatdatdai.monre.gov.vn. Thông qua Cổng thông tin điện tử của Quốc hội, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường, các phương tiện thông tin đại chúng, các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin, các hình thức phù hợp khác phù hợp với quy định của pháp luật. Thời gian lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bắt đầu từ ngày 03/01/2023 và kết thúc vào ngày 15/3/2023.

II. SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA CÁC NGHỊ ĐỊNH LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC NỘP, XUẤT TRÌNH SỔ HỘ KHẨU, SỔ TAM TRÚ GIẤY KHI THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, CUNG CẤP DỊCH VỤ CÔNG

Nghị định số 104/2022/NĐ-CP, ngày 21/12/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. Nghị định 104/2022/NĐ-CP hiệu lực từ ngày 01/01/2023, trong đó có một số điểm chú ý sau:

Nghị định bỏ quy định về việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, chủ yếu thuộc nhiều lĩnh vực như: việc làm, bảo hiểm y tế, giáo dục, y tế, đất đai, thuế, nhà ở, nhà ở xã hội, điện lực, nuôi con nuôi… Thay vào đó, khi thực hiện các thủ tục trên, người dân chỉ cần xuất trình một trong các loại giấy tờ: Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân, giấy xác nhận thông tin về cư trú, giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Nghị định cũng bãi bỏ, thay thế một số cụm từ liên quan tới quy định về sổ hộ khẩu tại các nghị định liên quan tới một số lĩnh vực cụ thể như: điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính trong lĩnh vực thông tin và truyền thông; hộ tịch, người có công, bảo trợ xã hội…

Việc khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thực hiện bằng một trong các phương thức sau: Tra cứu, khai thác thông tin cá nhân qua chức năng của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh đã được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc qua cổng dịch vụ công quốc gia; Tra cứu thông tin cá nhân thông qua tài khoản định danh điện tử của công dân được hiển thị trong ứng dụng VNelD; Sử dụng thiết bị đầu đọc đã được kết nối trực tuyến với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bao gồm thiết bị đọc mã QRCode hoặc thiết bị đọc chip trên thẻ Căn cước công dân gắn chip; Các phương thức khai thác khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Cơ quan có thẩm quyền, cán bộ, công chức, viên chức, cá nhân được giao trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phải khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công…

III. ĐẨY MẠNH CÁC HOẠT ĐỘNG PHỤC VỤ HỌC TẬP SUỐT ĐỜI TRONG THƯ VIỆN, BẢO TÀNG, TRUNG TÂM VĂN HÓA ĐẾN NĂM 2030

Chương trình “Đẩy mạnh các hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa đến năm 2030” (được phê duyệt bởi Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 09/12/2022) đề ra các mục tiêu cụ thể:

Đối với hệ thống thư viện, đến năm 2025, đạt 100% thư viện công cộng cấp tỉnh, 70% thư viện công cộng cấp huyện, 40% thư viện công cộng cấp xã, 90% thư viện trường đại học, thư viện chuyên ngành, 80% thư viện lực lượng vũ trang, 70% thư viện cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục khác có cung cấp dịch vụ phục vụ việc học tập suốt đời cho người sử dụng thư viện. Đến năm 2030, đạt 100%, 90%, 60%, 100%, 100% và 90% các chỉ tiêu tương ứng. Đến năm 2025, đạt 100% thư viện công cộng cấp tỉnh, 60% thư viện công cộng cấp huyện, 20% thư viện công cộng cấp xã, 90% thư viện đại học, thư viện chuyên ngành, 80% thư viện lực lượng vũ trang, 70% thư viện cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục khác có ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý, tổ chức hoạt động phục vụ việc học tập suốt đời cho người sử dụng thư viện. Đến năm 2030, đạt 100%, 70%, 30%, 100%, 100% và 80% các chỉ tiêu tương ứng. Đến năm 2025, số lượt người sử dụng thư viện phục vụ nhu cầu học tập, tìm kiếm thông tin, nâng cao hiểu biết tăng bình quân 10% mỗi năm. Đến năm 2030, tăng bình quân 10 - 15% mỗi năm.

Đối với hệ thống bảo tàng, đến năm 2025, phấn đấu đạt 70% và đến năm 2030, phấn đấu đạt 100% bảo tàng xây dựng và triển khai chương trình giáo dục lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật cho mọi người dân, chú trọng đối tượng học sinh, sinh viên gắn với khung kiến thức, kỹ năng sống phù hợp và ứng dụng giới thiệu trưng bày các chuyên đề trên không gian số. Đến năm 2025, phấn đấu số lượt khách tham quan chọn bảo tàng để nghiên cứu, học tập tăng bình quân 10% mỗi năm. Đến năm 2030, tăng bình quân 10 - 15% mỗi năm.

Đối với hệ thống trung tâm văn hóa các cấp, đến năm 2025, phấn đấu đạt 80% và đến năm 2030, đạt 100% trung tâm văn hóa cấp tỉnh, trung tâm văn hóa, thể thao cấp huyện tổ chức, hỗ trợ nhu cầu hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, du lịch phù hợp với từng nhóm lứa tuổi, sở thích. Đến năm 2025, đạt 70% và đến năm 2030, đạt 100% trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã, nhà văn hóa - khu thể thao thôn có lớp năng khiếu, câu lạc bộ, nhóm sở thích, thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao thu hút người dân đến tham gia sinh hoạt phục vụ việc đẩy mạnh học tập suốt đời.

Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Đẩy mạnh tuyên truyền, đa dạng hóa hình thức truyền thông trên nền tảng công nghệ số, nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy, tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành và của người dân. Tuyên truyền, tổ chức có hiệu quả các hoạt động học tập suốt đời gắn với Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam - 21/4, Ngày Sách và Bản quyền thế giới - 23/4, Ngày Quốc tế bảo tàng - 18/5, Ngày Di sản văn hóa Việt Nam - 23/11 và các ngày lễ, ngày kỷ niệm của đất nước và địa phương. Biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các tập thể và cá nhân điển hình, nhân rộng mô hình tốt, các cách làm hay, sáng tạo trong hoạt động phục vụ học tập suốt đời tại các thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa.

Kiện toàn, củng cố mạng lưới, xây dựng và thực hiện cơ chế, chương trình phối hợp, liên kết giữa thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa với nhau và với các tổ chức, đơn vị, cơ sở giáo dục, hội khuyến học các cấp, liên đoàn lao động các cấp, trung tâm học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn… tổ chức hiệu quả hoạt động phục vụ người dân học tập suốt đời, thu hút sự tham gia của cộng đồng. Ứng dụng mạnh mẽ, toàn diện công nghệ thông tin; chú trọng phát triển mạng lưới thư viện cơ sở, thư viện kết hợp với trung tâm học tập cộng đồng, điểm bưu điện - văn hóa xã, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, thư viện cộng đồng phục vụ người dân tại cơ sở.

Tổ chức đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng kiến thức, hoàn thiện năng lực cung ứng các sản phẩm và dịch vụ phục vụ học tập suốt đời trong bối cảnh chuyển đổi số. Nâng cao ý thức về việc tự học, học tập thường xuyên của cán bộ quản lý, viên chức, người lao động làm việc trong các thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa. Biên soạn, in ấn các tài liệu hướng dẫn, bồi dưỡng phương pháp, kỹ năng tổ chức các hoạt động phục vụ học tập suốt đời.

Tăng cường giao lưu, học hỏi kinh nghiệm quốc tế về tổ chức các hoạt động học tập ngoài nhà trường, về truyền thông và vận động cộng đồng, về đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tích cực phối hợp tổ chức hoặc tham gia các sự kiện quốc tế liên quan đến xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời…

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan chủ trì, thường trực giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thống nhất việc tổ chức thực hiện Chương trình, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp của Chương trình…

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì chỉ đạo, hướng dẫn hệ thống thư viện cơ sở giáo dục triển khai hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ của Chương trình; chỉ đạo thư viện, bảo tàng thuộc trách nhiệm quản lý xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Chương trình; chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, xây dựng chương trình sử dụng di sản văn hóa, kỹ năng đọc và thư viện, dân ca, dân vũ... trong dạy, học tại các cơ sở giáo dục phổ thông...

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chủ trì, hướng dẫn triển khai hoặc lồng ghép nội dung Chương trình trong các thư viện, bảo tàng thuộc trách nhiệm quản lý với các chương trình, đề án khác được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình tại địa phương; bố trí kinh phí địa phương tổ chức triển khai thực hiện Chương trình theo nội dung được phân công, chú trọng củng cố cơ sở hạ tầng, hiện đại hóa cơ sở vật chất, phát triển mạng lưới thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa theo quy hoạch đã được phê duyệt; đẩy mạnh xã hội hóa phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.

IV. KẾT QUẢ 01 NĂM TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN ỨNG DỤNG DỮ LIỆU VỀ DÂN CƯ, ĐỊNH DANH VÀ XÁC THỰC ĐIỆN TỬ PHỤC VỤ CHUYỂN ĐỔI SỐ QUỐC GIA GIAI ĐOẠN 2022 - 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030 (ĐỀ ÁN 06)

1. Một số kết quả đạt được

Nhận thức và hành động về chuyển đổi số quốc gia tiếp tục chuyển biến tích cực, từng bước chuyển đổi nhận thức, thay đổi thói quen, có sự lan tỏa ở các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là người đứng đầu. Hoạt động quản lý nhà nước từ phương thức truyền thống sang môi trường số được đẩy mạnh và đạt một số kết quả bước đầu. Nhiều sản phẩm, dịch vụ số phục vụ người dân, doanh nghiệp kịp thời, hiệu quả (đăng ký dự thi, xét tuyển đại học, cao đẳng; cấp hộ chiếu trực tuyến; thí điểm thành công 2 dịch vụ công liên thông đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí).

Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý cho chuyển đổi số được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt kết quả tích cực. Cùng với các luật đang được xây dựng, trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng đã ban hành 16 văn bản quan trọng về chuyển đổi số trong năm 2022. Hạ tầng công nghệ thông tin, các nền tảng số tiếp tục được phát triển ở Trung ương và địa phương, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chuyển đổi số.

Các hệ thống thông tin cấp quốc gia như Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ - eCabinet, Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trung tâm Thông tin chỉ đạo điều hành đã được triển khai và phát huy hiệu quả bước đầu.

Bộ Công an đã tích cực triển khai Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, từng bước hình thành hệ sinh thái công dân số. Đã kết nối, liên thông với 47 bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước; cấp trên 76 triệu thẻ căn cước gắn chíp điện tử; đồng bộ hơn 234 triệu thông tin tiêm chủng; kích hoạt gần 2,6 triệu tài khoản định danh điện tử; xác định thông tin chính xác của gần 50 triệu thuê bao di động...

Dịch vụ công trực tuyến được triển khai ngày càng sâu rộng, hiệu quả. Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp gần 4.400 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (gấp 3 lần năm 2021); hơn 154 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái (gấp 1,7 lần so với năm 2021); hơn 3,9 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến (gấp hơn 5,7 lần năm 2021).

An toàn, an ninh thông tin tiếp tục được quan tâm; các doanh nghiệp Việt Nam dần làm chủ hệ sinh thái an toàn thông tin mạng. Năm 2022, đã ghi nhận và có biện pháp xử lý hơn 12.000 cuộc tấn công mạng tại Việt Nam, tăng 25,3% so với năm 2021. Kinh tế số, xã hội số có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Tính chung, năm 2022, đã hoàn thành 9/12 chỉ tiêu và 101/107 nhiệm vụ trong Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; hoàn thành 45/56 nhiệm vụ theo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại các phiên họp trước; hoàn thành 59/225 nhiệm vụ của Đề án 06 và đang tiếp tục triển khai 166 nhiệm vụ.

2. Nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới

Các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số quốc gia trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030. Tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, lưu ý vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn thông tin. Các bộ, ngành, địa phương ban hành Kế hoạch chuyển đổi số phải thực chất, tránh hình thức, phù hợp với điều kiện của mình gắn với bố trí nguồn lực phù hợp.

Đẩy mạnh xây dựng, cập nhật, liên thông, kết nối, chia sẻ các nền tảng số, CSDL đồng bộ, thực chất, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm. Kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành với Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tập trung hoàn thiện nền tảng cung cấp dịch vụ công toàn diện trên môi trường mạng.

Tập trung hoàn thành và triển khai 53 dịch vụ công thiết yếu (tại Đề án 06 và Quyết định 422 của Thủ tướng), nhất là 10 dịch vụ công đã quá hạn trong năm 2022. Đồng thời, hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã cung cấp trên môi trường mạng, kết nối các dịch vụ công trực tuyến với Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ, tập trung cho nhiệm vụ tích hợp và chia sẻ, kết nối dữ liệu. Trong năm 2023, xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia, giao Bộ Công an chủ trì về cơ sở vật chất, không bảo thủ, không cát cứ, không cục bộ, đồng thời thiết kế các công cụ bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, quyền công dân theo Hiến pháp và các quy định của pháp luật,

Rà soát, đánh giá an toàn thông tin, an ninh mạng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu; khẩn trương khắc phục những hạn chế, bất cập về lỗ hổng bảo mật, tình trạng lộ lọt thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân. Tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả về đào tạo, tuyển dụng, bố trí, đãi ngộ nhân lực chuyển đổi số, nhất là nhân lực chất lượng cao; hạn chế tình trạng chảy máu chất xám. Tăng cường hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số, nhất là hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ, thu hút và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…

V. MỘT SỐ KẾT QUẢ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG NĂM 2022; NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI

1. Kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2022

Về thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng

Việc công khai, minh bạch và thực hiện trách nhiệm giải trình trong tổ chức, hoạt động của cơ quan, đơn vị, nhất là trong các lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng có chuyển biến tích cực; kịp thời công bố, công khai, thông tin báo chí về những vụ việc dư luận xã hội quan tâm, kết quả kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, xử lý tố cáo, phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật; các bộ, ngành, địa phương kiểm tra tại 14.425 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch (tăng 39,71% so với năm 2021), phát hiện, chấn chỉnh, xử lý đối với 111 cơ quan, tổ chức, đơn vị vi phạm.

Cải cách thủ tục hành chính tiếp tục có nhiều chuyển biến rõ nét. Việc công khai, công bố, cập nhật các TTHC được thực hiện thường xuyên trên Cổng dịch vụ công quốc gia và các kênh thông tin khác theo quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tra cứu, tìm hiểu và thực hiện thủ tục hành chính.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Trong đó, tổng số lượng giao dịch nội tệ qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đạt trên 153,14 triệu giao dịch, với giá trị đạt trên 170,54 triệu tỷ đồng (tăng 11,02% về số lượng và 37,07% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2021). Tổng giá trị giao dịch qua Hệ thống bù trừ điện tử và chuyển mạch tài chính đạt hơn 3.665,42 triệu giao dịch, với giá trị đạt gần 39,09 triệu tỷ đồng.

Theo báo cáo của các bộ, ngành, các địa phương và các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan, năm 2022 có 19 người đứng đầu đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng (xử lý hình sự 10 người, cách chức 01 người, cảnh cáo 05 người, khiển trách 03 người). Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu đã có tác dụng răn đe, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác phòng, chống tham nhũng tại cơ quan, đơn vị mình phụ trách.

Về phòng, chống tham nhũng tại các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo; các bộ, ngành, địa phương chú trọng tăng cường quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước; đã tuyên truyền, tập huấn cho các hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, công ty đại chúng, các tổ chức kinh doanh, dịch vụ chứng khoán[1]… về các quy định pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố…

Công tác thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng

Toàn ngành Thanh tra đã triển khai 7.844 cuộc thanh tra hành chính và 195.326 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 79.102,2 tỷ đồng, 10.621,2 ha đất. Qua đôn đốc, các cơ quan chức năng đã thu hồi 114.012,3 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 42,5%), 537,5 ha đất; xử lý hành chính 2.917 tổ chức, 7.498 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 98 vụ, 135 đối tượng; khởi tố 16 vụ, 68 đối tượng.

Cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã giải quyết 24.075 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 89,1%. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho nhà nước 132,9 tỷ đồng, 122,1 ha đất; trả lại cho tổ chức, cá nhân 148,9 tỷ đồng, 20,5 ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 119 tổ chức, 576 cá nhân; kiến nghị xử lý 547 người; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 32 vụ, 55 đối tượng.

Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 36.293,5 tỷ đồng.

Việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng

Các Cơ quan điều tra trong Công an Nhân dân đã thụ lý điều tra 687 vụ án, 1.439 bị can phạm tội về tham nhũng. Đã kết luận điều tra và đề nghị truy tố 336 vụ/765 bị can; tạm đình chỉ điều tra 34 vụ/50 bị can; đình chỉ điều tra 08 vụ/03 bị can; thay đổi tội danh 04 vụ/02 bị can; nhập vụ án 01 vụ; chuyển Cơ quan điều tra hình sự - Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng điều tra theo thẩm quyền 01 vụ/02 bị can…

Công tác thi hành án liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng: Tổng số phải thi hành là 3.973 việc, tương ứng với 89.609 tỷ 972 triệu đồng; trong đó: số có điều kiện thi hành là 2.739 việc tương ứng với 43.593 tỷ 296 triệu đồng; đã thi hành xong 1.895 việc, tương ứng với 15.989 tỷ 592 triệu đồng (tăng hơn 11.895 tỷ đồng, tương đương tăng 290,51% về tiền so với năm 2021).

Nhìn chung, trong thời gian qua, mặc dù dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, tuy nhiên vẫn có diễn biến phức tạp, gây khó khăn và ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân nói chung và ảnh hưởng đến công tác phòng, chống tham nhũng nói riêng, song công tác phòng, chống tham nhũng luôn được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản, với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả quan trọng, để lại dấu ấn tốt, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua còn một số khó khăn, hạn chế: Công tác xây dựng hoàn thiện thể chế trong một số trường hợp còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên một số lĩnh vực vẫn còn thiếu chặt chẽ, chưa đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý; một số quy định về quản lý kinh tế - xã hội còn sơ hở, chồng chéo, dễ bị lợi dụng, dễ làm nảy sinh tham nhũng nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung… Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả chưa cao, chưa tạo được sự chuyển biến căn bản về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức và người dân về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…

2. Phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2023

- Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân; đề cao sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm và làm đi đôi với nói của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

- Thực hiện nghiêm các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

- Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, nhất là các quy định về công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; cải cách hành chính, đổi mới công nghệ quản lý; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới…

- Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, thi hành án; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan nhà nước; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng…

- Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trước hết là cơ quan thanh tra nhà nước, kiểm toán nhà nước, cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án ở các cấp, các ngành, các đơn vị chuyên trách về phòng, chống tham nhũng.

- Phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, cơ quan báo chí, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng triển khai có hiệu quả hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khu vực ngoài nhà nước.

VI. HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC MẦM NON VÙNG KHÓ KHĂN GIAI ĐOẠN 2022 - 2030

Chương trình “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022 - 2030” (phê duyệt bởi Quyết định số 1609/QĐ-TTg, ngày 26/12/2022) hướng tới đối tượng là: Trẻ em, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và cơ sở giáo dục mầm non thuộc các huyện nghèo, thôn, xã khó khăn, đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, các thôn, xã khó khăn, đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các thôn, xã thuộc vùng khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, cơ quan có thẩm quyền (sau đây gọi chung là vùng khó khăn) và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Mục tiêu cụ thể: Đối với trẻ em, đến năm 2025: có ít nhất 20% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ và 90% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo vùng khó khăn được đến cơ sở giáo dục mầm non, trong đó có 30% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non được tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ phù hợp theo độ tuổi; có ít nhất 50% các tỉnh tập trung đông trẻ em người dân tộc thiểu số có mô hình về tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ. Đến năm 2030: có ít nhất 25% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ và 95% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo vùng khó khăn được đến cơ sở giáo dục mầm non, trong đó có 60% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non được tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ phù hợp theo độ tuổi; có ít nhất 80% các tỉnh tập trung đông trẻ em người dân tộc thiểu số có mô hình về tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ. Hằng năm, 100% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non vùng khó khăn được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục theo chương trình giáo dục mầm non phù hợp với điều kiện vùng miền, dân tộc và đặc điểm riêng của trẻ.

Đối với giáo viên, đến năm 2025: bồi dưỡng 30% giáo viên biết sử dụng tiếng mẹ đẻ của trẻ. Đến năm 2030: bồi dưỡng 60% giáo viên biết sử dụng tiếng mẹ đẻ của trẻ; phấn đấu bảo đảm định mức giáo viên/nhóm, lớp theo quy định. Đối với cơ sở giáo dục mầm non, đến năm 2030: phấn đấu xóa bỏ 100% phòng học nhờ, phòng học tạm; xây mới trường học theo dự báo quy hoạch mạng lưới trường lớp mầm non của các địa phương; bổ sung đủ bộ đồ chơi ngoài trời, bộ đồ chơi trong lớp cho trường học mới và phòng học mới do tăng quy mô.

Các nhiệm vụ, giải pháp chính: Rà soát, nghiên cứu bổ sung, đề xuất xây dựng chính sách hỗ trợ đối với trẻ em và cơ sở giáo dục mầm non vùng khó khăn, nhất là đối tượng trẻ em nhà trẻ; phấn đấu bảo đảm định mức giáo viên/nhóm, lớp theo quy định đối với vùng khó khăn, ưu tiên đối với giáo viên dạy nhóm, lớp tại điểm lẻ ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sông nước, biên giới, hải đảo và bãi ngang ven biển; rà soát, nghiên cứu, đề xuất xây dựng, bổ sung cơ chế chính sách đối với đội ngũ giáo viên vùng khó khăn; hoàn thiện các chính sách đào tạo theo địa chỉ, cử tuyển và tuyển dụng, sử dụng đối với đội ngũ giáo viên là người địa phương dạy trẻ em người dân tộc thiểu số; thực hiện đầy đủ, kịp thời cơ chế thu hút, động viên giáo viên công tác lâu dài ở vùng khó khăn; nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp.

Tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên về: công tác quản lý, triển khai chương trình giáo dục mầm non phù hợp với đặc điểm trẻ em vùng khó khăn và phương pháp, kỹ năng thực hiện giáo dục song ngữ, tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ em người dân tộc thiểu số, đặc biệt quan tâm đến trẻ em nhà trẻ, trẻ mẫu giáo bé mới ra lớp; thăm quan chia sẻ học tập mô hình điểm.

Có kế hoạch, lộ trình, giải pháp xây dựng nhà công vụ cho giáo viên, xóa phòng học nhờ, phòng học tạm, bổ sung phòng học còn thiếu, mua sắm thêm đồ dùng học tập tại vùng khó khăn đáp ứng nhu cầu tới trường, lớp của trẻ em, quan tâm đến đối tượng trẻ em nhà trẻ, mẫu giáo bé; bổ sung tài liệu, học liệu phục vụ việc tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ và nâng chất lượng giáo dục mầm non vùng khó khăn.

Triển khai chương trình giáo dục mầm non phù hợp với điều kiện vùng miền, phù hợp với đặc điểm của trẻ em người dân tộc thiểu số. Rà soát, hoàn thiện chương trình, đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục mầm non phù hợp với vùng khó khăn, đặc điểm tiếp nhận và văn hóa, ngôn ngữ mẹ đẻ của trẻ.

Hình thành cơ chế, khuyến khích tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng trường, lớp mầm non. Vận động sự tham gia của toàn dân và các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp; phát huy sáng kiến của cộng đồng phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn.

Tăng cường công tác phối hợp, huy động sức mạnh, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị; các ban ngành có liên quan, đặc biệt là vai trò của các ban dân tộc, các tổ chức Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên trong hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn. Huy động nguồn lực từ các tổ chức quốc tế hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật; hợp tác và tiếp thu có chọn lọc các phương pháp tiến bộ trong việc nâng chất lượng giáo dục mầm non, tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ em người dân tộc thiểu số, phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn.

Đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến về sự cần thiết, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chương trình nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các bậc cha mẹ, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và cộng đồng đối với việc đầu tư, chăm lo phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn…

VII. BỒI DƯỠNG NÂNG CAO NĂNG LỰC ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ TRẺ VÀ CÁN BỘ LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ LÀ NỮ CỦA CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG Ở NƯỚC NGOÀI GIAI ĐOẠN 2023 - 2025

Đề án “Bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ và cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ của chính quyền địa phương ở nước ngoài giai đoạn 2023 - 2025 (được phê duyệt bởi Quyết định số 1641/QĐ-TTg, ngày 28/12/2022).

Mục tiêu cụ thể là: Giai đoạn 2023 - 2025 tổ chức bồi dưỡng ở nước ngoài cho khoảng 180 - 200 cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ (dưới 45 tuổi) và cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ của chính quyền địa phương, cụ thể: mỗi năm tổ chức khoảng 04 khóa bồi dưỡng, mỗi khóa có khoảng từ 15 - 17 cán bộ, công chức thuộc đối tượng của Đề án.

Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Tập trung bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và yêu cầu vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo trẻ, cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ của các địa phương.

Đổi mới hình thức và phương pháp tổ chức bồi dưỡng: Tổ chức các khóa bồi dưỡng ngắn hạn (02 tuần) ở nước ngoài (ưu tiên lựa chọn Nhật Bản, Cộng hòa Pháp và một số nước tiên tiến khác); kết hợp giữa học tập và nghiên cứu, khảo sát thực tế. Căn cứ vào chủ đề, nội dung cụ thể của từng khóa bồi dưỡng để lựa chọn các đơn vị, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có uy tín, chất lượng, nhiều kinh nghiệm trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong hoạt động bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ và cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ của chính quyền địa phương. Tích cực mở rộng quan hệ tìm nguồn tài trợ nước ngoài theo các mối quan hệ giữa Nhà nước, Chính phủ Việt Nam, Bộ, ngành với các nước, các tổ chức quốc tế. Xây dựng kế hoạch, chương trình hợp tác, liên kết với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có uy tín ở nước ngoài để thực hiện bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ và cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý là nữ.

Thu hút, sử dụng có hiệu quả nguồn lực cho hoạt động bồi dưỡng cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ và cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ của chính quyền địa phương ở nước ngoài. Bảo đảm nguồn lực tài chính từ ngân sách nhà nước và thu hút các nguồn lực xã hội trong và ngoài nước cho hoạt động bồi dưỡng cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ và cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ ở nước ngoài trong từng năm và cả giai đoạn 2023 - 2025.

Lộ trình: Năm 2023, 2024, tập trung xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện Đề án để hoàn thành các mục tiêu đề ra. Năm 2025, đẩy mạnh thực hiện các hoạt động để hoàn thành các mục tiêu của Đề án, đưa việc bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ và cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ thành hoạt động thường xuyên, thiết thực và triển khai đồng bộ để nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉ đạo, điều hành thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý của chính quyền địa phương…

VIII. TĂNG CƯỜNG, CỦNG CỐ HỆ THỐNG QUỸ TÍN DỤNG NHÂN DÂN

Trên cơ sở Báo cáo sơ kết thực hiện Chỉ thị số 06/CT-TTg, ngày 12/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân của Ngân hàng Nhà nước, tại công văn 1187/TTg-KTTH, ngày 21/12/2022, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Các Bộ, ngành Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục củng cố, chấn chỉnh hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng là hợp tác xã theo đúng mục tiêu, định hướng và giải pháp nêu tại Quyết định số 689/QĐ-TTg, ngày 08/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025”.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát toàn diện hoạt động của Quỹ tín dụng Nhân dân, nhất là đối với các Quỹ tín dụng Nhân dân có quy mô lớn, có dấu hiệu không lành mạnh, phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thường xuyên trao đổi thông tin và kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, đảm bảo an toàn, lành mạnh, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế.

Bộ Công an chỉ đạo Công an các địa phương chủ động nắm tình hình, tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin với các Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố về dấu hiệu sai phạm, vi phạm pháp luật và dấu hiệu bất thường khác trong hoạt động của Quỹ tín dụng Nhân dân; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố xây dựng kịch bản, phương án đảm bảo giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong quá trình xử lý Quỹ tín dụng Nhân dân yếu kém.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Hợp tác xã, Luật Các tổ chức tín dụng để đảm bảo thống nhất, đồng bộ.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, phối hợp, giám sát hoạt động của Quỹ tín dụng Nhân dân trên địa bàn; chủ động thông tin sớm cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố về dấu hiệu vi phạm, bất thường trong hoạt động của các Quỹ tín dụng Nhân dân để có biện pháp xử lý; tránh gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và an toàn hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn.

Các cơ quan tư pháp địa phương đẩy nhanh tiến độ xét xử theo quy định các vụ án liên quan đến Quỹ tín dụng Nhân dân, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tham gia xử lý Quỹ tín dụng Nhân dân yếu kém theo quy định của pháp luật; thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các Quỹ tín dụng Nhân dân, chính quyền địa phương, cơ quan thi hành án đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thi hành các bản án đã có hiệu lực pháp luật, nhằm đảm bảo thu hồi nợ cho Quỹ tín dụng Nhân dân.

IX. HỖ TRỢ NÂNG CAO NĂNG LỰC NGOẠI NGỮ VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ CHO THANH THIẾU NHI VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2022 - 2030

Chương trình “Hỗ trợ nâng cao năng lực ngoại ngữ và hội nhập quốc tế cho thanh thiếu nhi Việt Nam giai đoạn 2022 - 2030” (được phê duyệt tại Quyết định 1477/QĐ-TTg, ngày 25/11/2022) tập trung vào nhóm đối tượng thanh thiếu nhi Việt Nam từ 06 - 30 tuổi, trong đó đặc biệt chú trọng vào các nhóm đối tượng mà các chương trình, Đề án khác chưa phủ tới như trẻ em, thiếu niên nhi đồng có hoàn cảnh khó khăn, thanh niên nông thôn, thanh niên công nhân, thanh niên làm kinh tế, thanh niên lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Chương trình đề ra các mục tiêu cụ thể: 100% đoàn cơ sở, cấp huyện và cấp tỉnh có ít nhất 01 hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về học tập, rèn luyện ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh và nâng cao năng lực hội nhập quốc tế cho thanh thiếu nhi tại địa phương, đơn vị. 100% đoàn các cấp tổ chức ít nhất 01 hoạt động, khóa học ngoại ngữ, kỹ năng hội nhập quốc tế trực tuyến miễn phí dành cho thanh thiếu nhi trên địa bàn. 100% đoàn cấp tỉnh phối hợp với Hội Sinh viên, Đội Thiếu niên Tiền phong cấp tỉnh, các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông xây dựng và tổ chức ít nhất 01 sân chơi ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, các hoạt động trang bị kỹ năng hội nhập quốc tế cho thanh thiếu nhi tại địa phương, đơn vị. 100% cán bộ Đoàn, Hội, Đội chuyên trách các cấp tham gia Cuộc thi Olympic tiếng Anh dành cho cán bộ trẻ toàn quốc. Đến năm 2025 ít nhất 5.000.000 lượt thanh thiếu nhi, đến năm 2030 ít nhất 10.000.000 lượt thanh thiếu nhi được tham gia, thụ hưởng các hoạt động của Chương trình. Đến năm 2025, 80% các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông và 70% cơ quan chuyên trách Đoàn cấp tỉnh, cấp huyện hoặc tương đương, đến năm 2030, phấn đấu 100% các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông và cơ quan chuyên trách Đoàn cấp tỉnh, cấp huyện hoặc tương đương thành lập hoặc duy trì thường xuyên ít nhất 01 câu lạc bộ ngoại ngữ và hội nhập quốc tế.

Các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện: Tổ chức không gian ngoại ngữ tại các cơ quan, trường học, nơi công cộng cho đoàn viên, thanh niên thực hành, nâng cao ý thức rèn luyện ngoại ngữ; khuyến khích, tạo điều kiện cho thanh thiếu nhi tham gia sinh hoạt, học tập ngoại ngữ miễn phí tại các cung, nhà thiếu nhi; công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thanh niên đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thường xuyên được học tập và trau dồi ngoại ngữ. Phát huy các thiết chế văn hóa hiện có trong việc tạo môi trường cho thanh thiếu nhi học tập, thực hành ngoại ngữ và kỹ năng hội nhập. Tổ chức các chương trình học tập, cuộc thi, trò chơi... về ngoại ngữ cho các đối tượng thanh thiếu nhi; tổ chức các hoạt động tập huấn, nâng cao kỹ năng hội nhập quốc tế cơ bản như: giao tiếp, thuyết trình, tranh biện, làm việc nhóm, thực hành xã hội...

Đưa tiêu chí về hoạt động nâng cao năng lực ngoại ngữ và hội nhập quốc tế cho thanh thiếu nhi vào Bộ tiêu chí công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc hằng năm; nâng cao yêu cầu về tiêu chí ngoại ngữ và hội nhập quốc tế khi xét tặng các giải thưởng, danh hiệu của Đoàn, Hội. Thường xuyên rà soát, kiểm tra thực trạng năng lực, trình độ và tổng hợp nhu cầu đào tạo bồi dưỡng ngoại ngữ của đội ngũ cán bộ trẻ trên toàn quốc; tiếp tục gắn tiêu chuẩn về ngoại ngữ vào các kỳ thi tuyển công chức, bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý, nâng ngạch công chức...

Biên soạn tài liệu, xây dựng mới hoặc giới thiệu các ứng dụng phù hợp với từng lứa tuổi về học ngoại ngữ và nâng cao hội nhập quốc tế, trong đó đặc biệt chú trọng vào tiếng Anh trực tuyến miễn phí cho thanh thiếu nhi; xây dựng và cung cấp tài liệu về năng lực hội nhập quốc tế cần thiết cho thanh thiếu nhi trên ứng dụng Thanh niên Việt Nam. Xây dựng các chương trình học tập ngoại ngữ phù hợp với đội ngũ cán bộ trẻ nhằm nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ, kỹ năng hội nhập quốc tế và các kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế.

Tiếp tục duy trì quan hệ, phát huy hiệu quả quan hệ với các đối tác hiện có; nghiên cứu mở rộng quan hệ với các đối tác mới; đưa quan hệ hợp tác, đối tác hiện có vào khuôn khổ, thực chất, lâu dài. Phát triển hợp tác thanh thiếu nhi với các nước láng giềng, các nước ASEAN, các nước có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước; các tổ chức, cơ chế hợp tác đa phương mà Việt Nam là thành viên; củng cố các mối quan hệ bạn bè truyền thống; chủ động thiết lập quan hệ với các tổ chức thanh niên thuộc các Đảng có quan hệ với Đảng ta…

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho thanh thiếu nhi về công tác đối ngoại thanh thiếu nhi và hội nhập quốc tế; về tầm quan trọng của ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh và các kỹ năng hội nhập quốc tế; về vai trò, sự đóng góp của thanh thiếu nhi và tổ chức Đoàn, Hội vào quá trình hội nhập quốc tế. Tổ chức hội nghị, hội thảo, diễn đàn, tọa đàm, thông tin chuyên đề về đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước; tình hình thế giới và khu vực; các hiệp định quốc tế mà Việt Nam tham gia, đặc biệt là những hiệp định quốc tế có liên quan đến thanh thiếu nhi… Tăng cường phát hiện, giới thiệu, tuyên dương và nhân rộng gương thanh thiếu nhi thành công trong học tập, làm việc nhờ năng lực tiếng Anh; các gương thanh thiếu nhi chủ động hội nhập quốc tế, tạo uy tín và hình ảnh tốt cho thanh thiếu nhi Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là cơ quan chủ trì, thường trực giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thống nhất việc tổ chức thực hiện Chương trình; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan trong việc tổ chức thực hiện Chương trình; chủ trì và phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát, tổng hợp tình hình thực hiện Chương trình; báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai; kiến nghị về những thay đổi, điều chỉnh cần thiết phù hợp với thực tế…

HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI VÀ

TÌNH HÌNH THẾ GIỚI THỜI GIAN GẦN ĐÂY

I. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THẾ GIỚI NĂM 2022 VÀ MỘT SỐ DỰ BÁO NĂM 2023

Năm 2022, tình hình thế giới diễn biến phức tạp và khó lường. Hòa bình, hợp tác vẫn là xu thế chủ đạo, song sự xuất hiện của một số xung đột, đối đầu, với không ít điểm nóng khiến mặt cạnh tranh ngày càng nổi trội. Các điểm nóng trên thế giới như tình hình Đài Loan, Bán đảo Triều Tiên, an ninh tại Afghanistan,… có nhiều diễn biến mới, căng thẳng. Nổi bật là ngày 24/02/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine với lý do chính quyền Kiev và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã đe dọa an ninh nghiêm trọng Moscow. Kể từ đó đến nay, xung đột này trải qua ba giai đoạn và tiếp tục diễn ra, tác động to lớn tới toàn bộ đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, quan hệ quốc tế. Cùng với hệ lụy từ đại dịch Covid-19, nền kinh tế toàn cầu sụt giảm tăng trưởng. Lạm phát cao quay trở lại, chuỗi cung ứng tiếp tục gián đoạn, giá nhiên liệu, lương thực tăng cao đe dọa nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân tại nhiều quốc gia, trong đó, đặc biệt là các nước đang phát triển.

Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra ngày càng sâu sắc. Cạnh tranh Mỹ - Trung ngày càng trở nên toàn diện hơn, Từ chính trị, kinh tế, cạnh tranh giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới đã mở rộng ra lĩnh vực công nghệ và chất bán dẫn. Chiến lược an ninh quốc gia và Chiến lược quốc phòng quốc gia Mỹ đều coi Trung Quốc là đối thủ số một và thách thức dài hạn. Nga tiếp tục đối đầu căng thẳng với các nước phương Tây xung quanh các lệnh trừng phạt và giá nhiên liệu dưới tác động từ tình hình Ukraine.

Bên cạnh đó, các vấn đề toàn cầu, các vấn đề an ninh phi truyền thống vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, là thách thức chung của nhân loại. Trong đó, biến đổi khí hậu ngày càng gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn đối với con người và môi trường. Dịch bệnh Covid-19, bệnh đậu mùa khỉ tiếp tục tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm trên toàn cầu.

Cục diện kinh tế, chính trị - an ninh thế giới năm 2023 được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn, phức tạp, khó lường, do sự chi phối của nhiều nhân tố, trong đó ba nhân tố lớn là xung đột ở Ukraine và các hệ quả; cạnh tranh giữa các nước lớn, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc và các yếu tố an ninh phi truyền thống. Các nhân tố này liên kết và lồng vào nhau, có khả năng đẩy nền kinh tế thế giới vào khủng hoảng và tạo nên những bất ổn, căng thăng và xung đột địa chính trị gay gắt tại nhiều nơi trên thế giới, mặc dù chiến tranh quy mô lớn ít khả năng xảy ra. Xung đột Ukraine theo các chuyên gia nhiều khả năng sẽ leo thang và kéo dài trong năm 2023. Đồng nghĩa với việc căng thẳng trong quan hệ giữa Nga với Mỹ và phương Tây sẽ tiếp tục kéo dài. Trung Quốc và Nga sẽ tiếp tục tăng cường củng cố mối quan hệ đồng minh chiến lược. Trên quy mô toàn cầu, giá năng lượng, lạm phát, lãi suất tăng cao, tình trạng thiếu lương thực - tất cả đều phụ thuộc vào diễn biến của cuộc xung đột này.

Cạnh tranh giữa các nước lớn, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ còn gay gắt hơn trong năm tới với việc Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc khẳng định vị thế và tiếp tục thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa”, thay thế Mỹ trở thành siêu cường số 1 thế giới vào năm 2049. Vấn đề Đài Loan được giới nghiên cứu cho rằng sẽ là một trong những điểm nóng, gây ra căng thẳng trong quan hệ Trung - Mỹ. Cuộc cạnh tranh giữa hai siêu cường được cho là sẽ diễn ra toàn diện và trải rộng trên nhiều địa bàn, trong đó trước hết vẫn là khu vựcẤn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng dự báo các thách thức an ninh phi truyền thống có xu hướng trầm trọng hơn trong năm 2023. Nhu cầu năng lượng toàn cầu sẽ tăng đáng kể do dân số và hoạt động kinh tế gia tăng, trong khi giá năng lượng vẫn ở mức cao, và nguồn cung khí đốt và dầu từ Nga và các thành viên OPEC giảm. Cuộckhủng hoảng năng lượngsẽ khiến một số chính phủ phải xem lại kế hoạch loại bỏ dần điện hạt nhân. Đồng thời, điều này thúc đẩy các nước tăng cường đầu tư vào nguồn năng lượng tái tạo và hệ thống lưu trữ năng lượng. Mặt khác, một số nước có thể quay trở lại với nhiên liệu hóa thạch để đảm bảo nguồn cung trước mắt. Năm 2023 là thời điểm mà các vấn đề khan hiếm nước, an ninh lương thực và an ninh mạng sẽ thực sự trở nên nghiêm trọng đối với thế giới.

II. CÔNG TÁC ĐỐI NGOẠI CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC TA NĂM 2022

Năm 2022, trước những biến động khó lường của tình hình thế giới, bằng việc kiên định với đường lối đối ngoại theo văn kiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng, công tác đối ngoại của Việt Nam đã xử lý thoả đáng các thách thức mới nảy sinh; đạt được nhiều kết quả tích cực.

Thế giới chuyển sang trạng thái thích ứng sau đại dịch Covid-19, mở cửa và nối lại các hoạt động giao lưu, trao đổi, hợp tác, là tiền đề quan trọng cho các hoạt động đối ngoại cấp cao diễn ra sôi động, sâu sắc và toàn diện trong cả năm. Chỉ tính riêng trong năm 2022, Việt Nam đã triển khai hơn 15/30 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện; gần 70 hoạt động đối ngoại của lãnh đạo chủ chốt cả trực tiếp và trực tuyến; trong đó có 14 đoàn ra và 19 đoàn vào; nhiều văn kiện, thỏa thuận hợp tác cụ thể, thực chất được ký kết nhân các dịp này.

Bên cạnh đối ngoại song phương, đối ngoại đa phương tiếp tục đóng góp quan trọng vào việc nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam tại các diễn đàn khu vực và quốc tế; góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc Việt Nam. Trước những diễn biến phức tạp của quan hệ quốc tế, nhất là xung quanh tình hình xung đột Nga - Ukraine, Việt Nam đã xử lý thỏa đáng, đúng mực, có trách nhiệm, thể hiện được quan điểm, lập trường trong giải quyết những vấn đề quốc tế quan trọng. Những đề xuất, kiến nghị của Việt Nam tại các diễn đàn hợp tác đa phương được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Năm 2022, Việt Nam được quốc tế tín nhiệm bầu vào nhiều tổ chức quốc tế quan trọng như Phó Chủ tịchĐại hội đồng Liên hợp quốckhóa 77, thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 -2025, Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO nhiệm kỳ 2022 - 2026…

Công tác đối ngoại được triển khai đồng bộ trên tất cả các kênh từ đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, ngoại giao Nghị viện, đối ngoại Nhân dân; toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Điển hình như Chỉ thị số 15-CT/TW về công tác ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế được Ban Bí thư ban hành ngày 10/8/2022là cơ sở để chủ động, kịp thời chuyển trọng tâm sang hỗ trợ thích ứng an toàn, phục hồi - tăng trưởng. Trên lĩnh vực đối ngoại quốc phòng, bám sát tình hình, kiên quyết, kiên trì, vừa hợp tác, vừa đấu tranh, linh hoạt xử lý các diễn biến phức tạp, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, nhất là an ninh chủ quyền biển đảo, công tác đối ngoại đã thúc đẩy tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) giữa Trung Quốc và ASEAN; bảo vệ các hoạt động kinh tế biển; hoàn tất việc đàm phán phân định Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) sau 12 năm với Indonesia. Tại Liên hợp quốc, Việt Nam đã phát biểu đại diện cho 12 nước thành viên sáng lập Nhóm bạn bè của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, cam kết thúc đẩy việc thực hiện và tuân thủ công ước.Ngoại giao văn hóa có nhiều kết quả nổi bật.Nhiều di sản Việt Nam tiếp tục được thế giới công nhận. Các chương trình Ngày Việt Nam tại các nước, SEA Games 31 đã gây ấn tượng mạnh với bạn bè quốc tế.

Công tác bảo hộ công dân Việt Nam được triển khai nhanh chóng hiệu quả, điển hình là việc sơ tán an toàn hơn 6.000 công dân, kiều bào ta tại Ukraine, đưa về nước khoảng 1.200 công dân bị cưỡng bức lao động tại Campuchia, bảo hộ hàng trăm ngư dân, tàu cá, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân ta ở nước ngoài. Từ đó, tích cực chăm lo cho kiều bào ta ổn định và phát triển, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trong năm 2022, phát huy thế và lực mới của đất nước, bám sát đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, đúng đắn của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, công tác đối ngoại của Việt Nam đã đạt nhiều kết quả toàn diện và quan trọng, củng cố vững chắc cục diện đối ngoại thuận lợi cho việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao hơn nữa vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.

III. DỰ BÁO MỘT SỐ THÁCH THỨC VỀ ĐỐI NGOẠI NƯỚC MỸ PHẢI ỨNG PHÓ TRONG NĂM 2023

Nước Mỹ đã trải qua năm 2022 không ít sóng gió trong vấn đề ngoại giao. Cuộc xung đột tại Ukraine là một phần nổi bật trong hồ sơ đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Biden trong năm 2022. Ngay từ những ngày đầu Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Mỹ đã nỗ lực khẳng định vị thế dẫn dắt và tầm ảnh hưởng quốc tế. Do vậy, cạnh tranh Mỹ - Nga càng bộc lộ tính quyết liệt hơn. Là nhà cung cấp viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine, thách thức đầu tiên trong năm 2023 của chính quyền Tổng thống Biden theo các chuyên gia sẽ là phải duy trì viện trợ quân sự, nguồn cung cấp vũ khí ổn định cho Ukraine dưới sự giám sát chặt chẽ hơn từ đảng Cộng hòa đang nắm quyền kiểm soát Hạ viện.

Kể từ khi xung đột xảy ra, Mỹ và các đồng minh châu Âu đã mở “cuộc chiến” trừng phạt, cấm vận “chưa từng có” đối với Nga. Cuộc xung đột đến nay chưa có dấu hiệu chấm dứt. Do vậy, chính quyền Tổng thống Biden sẽ phải duy trì sự thống nhất với các đồng minh châu Âu để tiếp tục gia tăng sức ép lên Nga cũng như tăng cường hỗ trợ cho Ukraine. Các nhà phân tích của Foreign Policy cho rằng, mặc dù châu Âu ủng hộ Ukraine nhưng việc giá năng lượng, lương thực tăng cao và suy thoái kinh tế cũng khiến các nước châu Âu khó đưa ra quyết định.

Thách thức thứ hai về đối ngoại Mỹ phải đối mặt trong năm 2023 là sự cạnh tranh và quản lý cạnh tranh công nghệ giữa Mỹ với Trung Quốc. Trong năm 2022, Tổng thống Mỹ Biden đã đẩy cuộc cạnh tranh chất bán dẫn với Trung Quốc lên cao với việc ban hành Đạo luật Khoa học và CHIPS siết chặt xuất khẩu chip bán dẫn sang Trung Quốc. Động thái nhằm ngăn cản sự cạnh tranh từ Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cao.

Thách thức thứ ba là vấn đề hạt nhân. Trước tiên là đàm phán hạt nhân Iran. Trong năm 2022 những nỗ lực của Tổng thống Mỹ Biden nhằm cứu vãn các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran rơi vào bế tắc. Cả Mỹ và Iran đều thừa nhận rằng các cuộc đàm phán kết thúc mà không đạt kết quả gì. Đặc phái viên Mỹ về Iran - ông Robert Malley cảnh báo Iran sắp đủ nguyên liệu để sản xuất vũ khí hạt nhân và cáo buộc Tehran phá hỏng các thỏa thuận. Tiếp đến là vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Trong năm 2022, Triều Tiên vượt kỷ lục về số vụ phóng đạn pháo và tên lửa đạn đạo. Trong năm 2023, Mỹ và Hàn Quốc dự kiến sẽ tiếp tục tập trận quân sự chung và lên án chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên tại Liên hợp quốc (LHQ). Tuy nhiên giới quan sát cho rằng với mối quan hệ “phức tạp” của Mỹ với 2 thành viên khác của Hội đồng Bảo an LHQ là Nga và Trung Quốc, các nỗ lực như vậy tại LHQ sẽ không dễ dàng.

Trong khi đó, tương lai của Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) - hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân cuối cùng còn sót lại giữa Mỹ và Nga vốn được coi là đóng góp tích cực vào nỗ lực ngăn chặn sử dụng và phổ biến vũ khí hạt nhân trên thế giới - dự báo sẽ đối mặt với tương lai khó đoán. Nga và Mỹ ký New START năm 2010. Tháng 02/2021, hai bên đã gia hạn hiệp ước này thêm 5 năm, đến ngày 05/2/2026. Cuối tháng 8/2022, đã xuất hiện những tín hiệu về khả năng nối lại đàm phán về việc gia hạn Hiệp ước New START song vẫn chưa có tiến bộ đáng kể nào trong vấn đề này.

Việc Đảng Dân chủ không duy trì được thế đa số tại Quốc hội Mỹ sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tháng 11/2022 sẽ tác động lớn đến các bước triển khai chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Biden. Hiện Đảng Cộng hòa đã nắm quyền kiểm soát Hạ viện. Ưu tiên cao nhất trong chương trình nghị sự của các nghị sĩ đảng Cộng hòa sẽ là điều tra việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan năm 2021, sau đó là viện trợ cho Ukraine, cũng như chính sách đối với Trung Quốc. Quyết định rút quân khỏi Afghanistan hồi tháng 8/2021 của Mỹ đến nay vẫn gây tranh cãi. Những chuyến bay sơ tán hỗn loạn tại sân bay quốc tế Kabul làm ảnh hưởng đến niềm tin của các nước đồng minh phương Tây và người dân trong nước.

Vấn đề lớn khác là viện trợ quân sự cho Ukraine. Mặc dù Quốc hội Mỹ đã tăng cường ngân sách cho Lầu Năm Góc vượt hơn yêu cầu của Mỹ, nhưng một số nghị sĩ đảng Cộng hòa muốn giảm mức viện trợ cho Ukraine. Hạ nghị sĩ Cộng Hòa Marjorie Taylor Greene tuyên bố sẽ giám sát chặt chẽ hơn viện trợ quân sự cho Kiev, và Thượng nghị sĩ J.D.Vance cho biết ông không “thực sự quan tâm” đến những gì xảy ra với Ukraine.

Cuối cùng, vấn đề đang đặt ra với chính quyền Tổng thống Mỹ Biden năm 2023 là đảm bảo nguồn cung năng lượng, tránh tăng giá đột biến ở trong và ngoài nước. Quốc hội Mỹ năm 2022 đã thông qua dự luật lớn về khí hậu, thuế và chăm sóc sức khỏe của Tổng thống Biden để dần giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, làm gia tăng căng thẳng với các đồng minh châu Âu.

IV. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH NĂM 2022; DỰ BÁO NĂM 2023
Năm 2022 là một năm khó khăn chồng chất với hệ thống y tế toàn cầu khi phải căng sức ứng phó với nhiều loại dịch bệnh vào cùng một thời điểm. Thế giới trải qua năm thứ 3 đại dịch Covid-19 hoành hành và được đánh giá là năm của “cơn sóng thần” Omicron và các biến thể phụ với khả năng lây truyền cao. Số ca mắc Covid-19 mới tăng mạnh ở Pháp, Ðức, Italy, Hàn Quốc, Singapore, Australia... Hội chứng Covid-19 kéo dài gây sa sút nghiêm trọng về sức khỏe thể chất và tinh thần của người dân các nước. Hệ thống chăm sóc sức khỏe của nhiều nước thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải do lượng bệnh nhân tăng và thiếu nhân lực y tế trầm trọng.

Trong khi đó, các căn bệnh như đậu mùa khỉ, cúm mùa, dịch tả, Ebola, sốt xuất huyết... cũng bùng phát và diễn biến phức tạp. Tại châu Âu, sự hoành hành đồng thời của virus cúm mùa và Covid-19 tạo áp lực đáng kể cho hệ thống y tế. Hạn hán và lũ lụt tấn công vùng Sừng châu Phi và vùng Sahel, cũng như Pakistan, kéo theo nhiều căn bệnh truyền nhiễm.

Tuy nhiên, sau một năm trải qua nhiều thách thức, những điểm sáng tích cực đang xuất hiện trên bức tranh tổng thể của y tế toàn cầu với đà suy yếu của nhiều loại dịch bệnh. Ngày 21/12/2022, Tổng Giám đốc Ghebreyesus nêu rõ đại dịch Covid-19 đang trên đà suy yếu khi số ca tử vong do Covid-19 được báo cáo hằng tuần trên toàn thế giới đã giảm gần 90% kể từ mức đỉnh của cuối tháng 01/2022, thời điểm biến thể Omicron hoành hành. Bệnh đậu mùa khỉ toàn cầu đã giảm hơn 90% kể từ tháng 7 - thời điểmWHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Trong tháng 01/2023, dự kiến Ủy ban Khẩn cấp về dịch Covid-19 thuộc WHO sẽ thảo luận về các tiêu chí để tuyên bố kết thúc tình trạng khẩn cấp.

Bước tiến trong cuộc chiến đẩy lùi dịch Covid-19 là việc triển khai tiêm vaccine, nhiều phương pháp điều trị cải tiến cho người mắc Covid-19 cũng như nâng cao nhận thức của người dân về các rủi ro của bệnh. Đối với dịch đậu mùa khỉ, kích hoạt phản ứng phối hợp quốc tế, thúc đẩy công tác tài trợ nhằm hợp tác chia sẻ vaccine và phương pháp điều trị dịch bệnh này trong bối cảnh dịch có dấu hiệu lây lan nhanh là những nỗ lực khẳng định quyết tâm của cộng đồng quốc tế. Cùng với đó là chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động liên quan đến ứng phó biến đổi khí hậu với các đợt hạn hán, lũ lụt, vốn tạo môi trường thuận lợi cho virus gây bệnh truyền nhiễm lây lan ở nhiều quốc gia.

Dù kỳ vọng vào một năm mới khởi sắc với hệ thống y tế toàn cầu song người đứng đầu WHO cũng bày tỏ thận trọng khi yêu cầu các quốc gia không được chủ quan và xác định 5 ưu tiên cần thực hiện ở cơ quan y tế các nước trong năm 2023. Đó là tập trung vào nâng cao sức khỏe và phòng ngừa dịch bệnh bằng cách chuyển từ chăm sóc bệnh tật sang chăm sóc sức khỏe; tăng cường bao phủ y tế toàn dân, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe ban đầu; tăng cường chuẩn bị sẵn sàng và ứng phó khẩn cấp; đẩy mạnh công tác nghiên cứu, khoa học và công nghệ; và tiếp tục cải tổ WHO.

V. MỘT SỐ TÌNH HÌNH THẾ GIỚI THỜI GIAN GẦN ĐÂY

- Thượng viện Mỹ thông qua dự thảo Đạo luật ủy quyền quốc phòng (NDAA). Với 83 phiếu thuận và 11 phiếu chống, dự thảo Đạo luật ủy quyền quốc phòng (NDAA) hằng năm trị giá 858 tỷ USD được thông qua. Dự luật đưa ra mức chi tiêu cao hơn 45 tỷ USD dành cho quốc phòng so với mức đề xuất của Tổng thống Biden, trong đó phân bổ 817 tỷ USD cho Bộ Quốc phòng và 30 tỷ USD cho Bộ Năng lượng.Dự luật cũng bao gồm các khoản viện trợ quân sự dự định dành cho các quốc gia và vùng lãnh thổ khác, trong đó có 800 triệu USD hỗ trợ an ninh cho Ukraine. Dự luật này còn phân bổ 6 tỷ USD cho “Sáng kiến răn đe châu Âu”, một chương trình được khởi xướng vào năm 2014 nhằm tăng cường sự sẵn sàng của quân đội Mỹ ở châu Âu.

- Nga đơn phương ngừng bắn tại Ukraine. Kênh truyền hình quốc gia First Channel của Nga đưa tin lệnh ngừng bắn đơn phương do Tổng thống Vladimir Putin đưa ra đã được thực hiện trên toàn mặt trận ở Ukraine kể từ trưa 06/01/2023 theo giờ Moskva. Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh ngừng bắn tạm thời dọc theo toàn bộ chiến tuyến từ ngày 06 - 07/01/2023, thời điểm lễ Giáng sinh của Chính thống giáo, đồng thời kêu gọi Ukraine có hành động tương tự, Ukraine đã khước từ thực hiện các bước đi tương tự.Ngay sau thông báo của Nga, Phó Tổng Thư ký phụ trách các vấn đề nhân đạo kiêm Điều phối viên cứu trợ khẩn cấp của Liên hợp quốc Martin Griffiths bày tỏ hoan nghênh lệnhngừng bắntạm thời do Nga đơn phương công bố ở Ukraine, cho rẳng đây là cơ hội để gửiviện trợ nhân đạotới người dân ở các khu vực xung đột.

VĂN BẢN MỚI

1. Nghị quyết 165/NQ-CP ngày 20/12/2022 của Chính phủ về học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022 - 2023

Để tiếp tục hỗ trợ kịp thời đối với học sinh, sinh viên, hộ gia đình có thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn, bình ổn giá và kiểm soát lạm phát góp phần phục hồi phát triển kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc phạm vi quản lý giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022 - 2023 như năm học 2021 - 2022. Cụ thể như sau:

Đối với học phí của các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập: Cơ sở giáo dục chưa tự bảo đảm chi thường xuyên: Giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022 - 2023 bằng mức thu học phí của năm học 2021 - 2022 do Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành áp dụng tại địa phương. Trường hợp địa phương tăng học phí năm học 2022 - 2023 thì ngân sách địa phương đảm bảo phần chênh lệch tăng thêm so với số thu học phí năm học 2021 - 2022. Mức hỗ trợ cho từng cơ sở giáo dục do địa phương xem xét quyết định. Cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên, cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư: Cơ sở giáo dục xây dựng mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế- kỹ thuật, định mức chi phí, trình Ủy ban nhân dân để đề nghị Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét phê duyệt. Khuyến khích các địa phương bố trí ngân sách tăng chi thường xuyên cho các cơ sở giáo dục.

Đối với học phí của các cơ sở giáo dục đại học và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập: Giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022 - 2023 bằng mức thu học phí của năm học 2021 - 2022 do cơ sở giáo dục đã ban hành theo quy định của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Nhà nước cấp bù tiền miễn, giảm học phí theo mức trần học phí năm học 2021 - 2022 đã quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP. Khuyến khích các địa phương bố trí và huy động các nguồn lực hợp pháp để thực hiện việc hỗ trợ tiền đóng học phí năm học 2022 - 2023 đối với học sinh, sinh viên đang theo học các ngành, nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các ngành nghề bị tác động do dịch bệnh Covid-19 và phục hồi kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ ngày 30/01/2022 về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Thủ trưởng các bộ, ngành và các địa phương hướng dẫn các cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc phạm vi quản lý tổ chức triển khai thực hiện.

2. Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập

Các công việc hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan hành chính thực hiện quản lý và áp dụng chế độ, chính sách như công chức, gồm: bảo vệ ở các cơ quan, đơn vị: Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ; Kho tiền hoặc Kho hồ sơ ấn chỉ có giá trị như tiền của Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Kho ấn chỉ thuế, Kho ấn chỉ hải quan; lái xe phục vụ Bộ trưởng hoặc chức vụ, chức danh tương đương Bộ trưởng trở lên; lái xe chuyên dùng chuyên chở tiền của Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước; người làm công việc hỗ trợ, phục vụ khác tại cơ quan trọng yếu, cơ mật ở Trung ương theo quyết định của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý. Các công việc chuyên môn, nghiệp vụ thuộc danh mục vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Điều kiện ký kết hợp đồng: Đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập: Phải có nhu cầu ký kết hợp đồng thực hiện các công việc quy định ở trên và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu khác theo quy định của pháp luật. Đối với tổ chức cung cấp dịch vụ: Phải đáp ứng đầy đủ điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật, bảo đảm chế độ cho người lao động theo quy định của pháp luật lao động và quy định của pháp luật khác có liên quan. Đối với cá nhân: Cá nhân ký kết hợp đồng lao động làm công việc hỗ trợ, phục vụ phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau đây: Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam; đủ tuổi lao động theo quy định của pháp luật lao động và pháp luật chuyên ngành; có đủ sức khỏe để làm việc; có lý lịch được cơ quan có thẩm quyền xác nhận; có khả năng đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm; không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chấp hành án phạt tù, cải tạo không giam giữ hoặc đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; không trong thời gian bị cấm hành nghề hoặc cấm làm công việc liên quan đến công việc ký kết hợp đồng; đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành và theo tiêu chuẩn, điều kiện của vị trí việc làm theo quy định của cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng.

Cá nhân ký kết hợp đồng lao động làm chuyên môn, nghiệp vụ phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện và được hưởng các quyền lợi sau đây: Đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định như đối với cá nhân ký kết hợp đồng lao động làm công việc hỗ trợ, phục vụ nêu trên; đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện về chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật chuyên ngành; chịu trách nhiệm về việc thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật, theo thỏa thuận trong hợp đồng và theo yêu cầu của đơn vị sự nghiệp công lập.

Thời gian làm việc theo hợp đồng lao động (không kể thời gian tập sự, thử việc) đối với trường hợp ký hợp đồng lao động làm chuyên môn, nghiệp vụ được tính làm căn cứ xếp lương theo vị trí việc làm nếu được tuyển dụng, tiếp nhận vào làm công chức, viên chức. Việc xếp lương trong ứng với vị trí việc làm được tuyển dụng, tiếp nhận thực hiện theo quy định của pháp luật; được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định.

3. Quyết định 1661/QĐ-TTg ngày 31/12/2022 hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai 10 tháng đầu năm 2022

Chính phủ bổ sung 1.800 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2022 cho 28 địa phương, cụ thể: Lạng Sơn 50 tỷ đồng, Lào Cai 40 tỷ đồng, Lai Châu 30 tỷ đồng, Hà Giang 30 tỷ đồng, Tuyên Quang 40 tỷ đồng, Cao Bằng 30 tỷ đồng, Bắc Kạn 40 tỷ đồng, Hòa Bình 60 tỷ đồng, Điện Biên 30 tỷ đồng, Sơn La 40 tỷ đồng, Yên Bái 30 tỷ đồng, Phú Thọ 50 tỷ đồng, Ninh Bình 40 tỷ đồng, Thanh Hóa 120 tỷ đồng, Nghệ An 200 tỷ đồng, Hà Tĩnh 50 tỷ đồng, Quảng Bình 70 tỷ đồng, Quảng Trị 120 tỷ đồng, Thừa Thiên Huế 150 tỷ đồng, Đà Nẵng 100 tỷ đồng, Quảng Nam 150 tỷ đồng, Quảng Ngãi 100 tỷ đồng, Phú Yên 30 tỷ đồng, Kon Tum 30 tỷ đồng, Đắk Lắk 40 tỷ đồng, Đắk Nông 30 tỷ đồng, Lâm Đồng 30 tỷ đồng, Cà Mau 70 tỷ đồng để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai 10 tháng đầu năm 2022.

Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố nêu trên chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác của nội dung và số liệu báo cáo, đề xuất. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí được hỗ trợ đúng phạm vi, đối tượng, đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; chịu trách nhiệm huy động nguồn lực địa phương để cùng với kinh phí hỗ trợ của ngân sách trung ương hoàn thành các dự án đúng tiến độ, hiệu quả; gửi kết quả phân bổ bao gồm danh mục dự án, số kinh phí hỗ trợ cho từng dự án về Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, theo dõi, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đối với kinh phí thực hiện các dự án đầu tư mang tính chất lâu dài, bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của địa phương để thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và các quy định của pháp luật có liên quan…



[1] Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã triển khai 25 đoàn thanh, kiểm tra định kỳ và 40 đoàn kiểm tra đột xuất về hoạt động chào bán, mua lại cổ phiếu, bán cổ phiếu quỹ, chào mua công khai, việc thực hiện nghĩa vụ của công ty đại chúng, tổ chức niêm yết,... việc tuân thủ quy định pháp luật chứng khoán đối với các công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ.

CÔNG KHAI TIẾN ĐỘ GIẢI QUYẾT TTHC

CHI TIẾT